Ở Việt Nam, tảo hôn không còn là hiện tượng xa lạ, đặc biệt là ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Dù đã được tuyên truyền và phổ cập pháp luật rộng rãi nhưng phong tục này vẫn còn là vấn nạn khiến dư luận “bối rối”. Bởi lẽ, đây không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
1. Tảo hôn là gì?
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật.

Kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật
Hiện nay, luật Hôn nhân và Gia đình quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì mới được kết hôn. Theo đó, “từ đủ 18 tuổi” và “từ đủ 20 tuổi” được hiểu là từ ngày sinh nhật lần thứ 18 và 20 của người đó.
Ví dụ 1: Anh A sinh ngày 26/04/2001 thì ngày 26/04/2021 anh A mới được xem là đủ 20 tuổi. Do đó, nếu A kết hôn trước thời điểm này thì được gọi là tảo hôn.
Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện như sau:
- Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là ngày một tháng một của năm sinh;
- Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.
Ví dụ: Trong giấy tờ tùy thân của B chỉ có năm sinh là 1996 thì ngày tháng năm sinh của B được xác định theo quy định hướng dẫn trên là 01/01/1996.
2. Tảo hôn - hành vi vi phạm pháp luật
Cần lưu ý rằng, kết hôn hợp pháp không phải là việc tổ chức, thực hiện các nghi lễ truyền thống như đám cưới, rước dâu... Quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng chỉ được pháp luật công nhận khi hai bên đáp ứng đủ các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật, trong đó điều kiện tiên quyết nhất là độ tuổi kết hôn.
Tảo hôn là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình. Bởi vì, đây là hành vi vi phạm về độ tuổi kết hôn. Bên cạnh đó, tảo hôn còn vi phạm quy định Luật Trẻ em và được xem là hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Tảo hôn là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình
Ngoài ra, đây còn là hành vi vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội và để lại nhiều hệ lụy lâu dài. Việc kết hôn khi còn quá trẻ thì khi sinh con sẽ dễ gây dị dạng bẩm sinh, ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống sau này của toàn dân tộc.
3. Xử lý tảo hôn theo quy định pháp luật
Tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật, chính vì thế cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.
3.1. Xử lý vi phạm hành chính
Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Hành vi tổ chức cho người lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn, thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Chủ tịch UBND xã là người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm này.
Như vậy, hành vi tảo hôn chỉ có thể bị xử phạt hành chính khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng họ vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.
Cũng cần lưu ý, Chủ tịch UBND xã không xử phạt hành chính bên tảo hôn mà phải đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Khi nào Toà án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà bên tảo hôn vẫn tiếp tục chung sống với nhau như vợ chồng thì lúc đó Chủ tịch UBND xã mới đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn.
3.2. Hủy kết hôn trái pháp luật
Hủy kết hôn trái pháp luật là một biện pháp xử lý tảo hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền để tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.
Căn cứ để Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật đối với hành vi tảo hôn là phải có yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sau đây:
- Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Về hướng xử lý việc kết hôn trái pháp luật đối với hành vi tảo hôn, Tòa án có thể giải quyết như sau: Thứ nhất, nếu tại thời điểm kết hôn hai bên chưa đủ tuổi nhưng sau đó đã đủ tuổi thì:
- Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn đủ tuổi kết hôn;
- Nếu (1) một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, hoặc (2) có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, hoặc (3) có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu, thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
- Nếu (1) hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn, hoặc (2) có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn đủ tuổi kết hôn
Thứ hai, nếu hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không đủ tuổi thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
3.3. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với những người đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, hoặc
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Cũng cần lưu ý là chỉ có hành vi tổ chức tảo hôn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật, gây nên nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội cần phải xử lý nghiêm khắc nhằm hướng đến mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Do đó, yêu câu đặt ra là mỗi người dân nên cần hiểu rõ các quy định của pháp luật và giá trị nhân văn của các quy định về hôn nhân gia đình, đặc biệt là vấn đề độ tuổi kết hôn.