Dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng gặp nhiều trắc trở, gây ra khó khăn cho các bên trong hợp đồng, điều đó dẫn đến một số bên có mong muốn tạm hoãn hoặc thậm chí là chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng có thể ngồi lại để thỏa thuận, thống nhất về vấn đề này. Như vậy, liệu rằng trong hoàn cảnh khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp có được tự mình tạm hoãn hay chấm dứt hợp đồng?
1. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng
Khi tiến hành hoãn hợp đồng do tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ những yếu tố về điều kiện cũng như thời hạn tạm hoãn.
1.1 Điều kiện để tạm hoãn thực hiện hợp đồng
Các bên có thể tạm hoãn hợp đồng, hay nói cách khác là kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi gặp phải sự kiện bất khả kháng.
Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách bất ngờ, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ mà không có cách nào để khắc phục. Doanh nghiệp cần chứng minh hoàn cảnh mình gặp phải sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng đủ 03 yếu tố sau:
1. Xảy ra do nguyên nhân khách quan.
2. Các bên không thể lường trước được khi giao kết hợp đồng.
3. Không thể được khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng.

Cần phải phải xác định đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng
Theo đó, một bên có nghĩa vụ khi không thể thực hiện hợp đồng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cần chứng minh được sự kiện thực tế này đáp ứng 3 điều kiện nêu trên để được xem là sự kiện bất khả kháng - cơ sở tạm hoãn thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, ngoại lệ là đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ thì dù là sự kiện bất khả kháng nhưng nếu các bên không thỏa thuận được về vấn đề này thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ cũng sẽ không được kéo dài theo pháp luật, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
1.2 Thời hạn tạm hoãn
Thời hạn tạm hoãn sẽ được kéo dài theo thoả thuận của các bên về việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng. Trường hợp không thỏa thuận hoặc không thống nhất được với nhau thì thời hạn sẽ được tính như sau:
- 5 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận không quá 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
- 8 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận trên 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
Ví dụ: A (Đăk Lăk) ký hợp đồng cung cấp cà phê cho B (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 18/03, thời hạn giao cà phê là ngày 23/09 cùng năm. Tuy nhiên, gần đến hạn giao hàng thì do đại dịch Covid nên Chính phủ đã ra chỉ thị hạn chế vận chuyển hàng hóa không cần thiết, điều này khiến A không thể tiến hành giao cà phê vào TP. Hồ Chí Minh cho B.
>> Trong trường hợp này, nếu A và B không thống nhất được với nhau về thời gian tạm hoãn hợp đồng thì mặc định thời gian tạm hoãn sẽ là 5 tháng.
>> Cùng tình huống đó, nhưng nếu thời hạn giao cà phê trong hợp đồng là ngày 23/09 năm sau, thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ sẽ được kéo dài thêm 8 tháng.

Thời hạn tạm hoãn có thể là 5 hoặc 8 tháng
Tuy nhiên, không phải lúc nào đến thời hạn tạm hoãn thì những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng giảm nhẹ hoặc biến mất, do đó kể cả khi đã được kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thì hợp đồng vẫn không thể được hoàn thành. Lúc này, các bên có thể tiếp tục kéo dài thời gian tạm hoãn, hoặc từ chối thực hiện hợp đồng sau thời hạn tạm hoãn nêu trên.
2. Từ chối thực hiện hợp đồng
Từ chối hợp đồng là hoạt động sẽ dẫn đến hậu quả chấm dứt hoàn toàn hợp đồng nên doanh nghiệp cần phải lưu ý đến điều kiện để tránh những tranh chấp cũng như thiệt hại về sau.
2.1 Điều kiện từ chối thực hiện hợp đồng
Từ chối thực hiện hợp đồng là biện pháp khắc phục tình trạng hợp đồng không thể thực hiện được do sự kiện bất khả kháng dù đã áp dụng biện pháp tạm hoãn thực hiện hợp đồng một thời gian trước đó.
Thực tế, dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc kết thúc thời gian tạm hoãn mà hợp đồng vẫn chưa được thực hiện vô cùng phổ biến. Lúc này, một bên có quyền từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng và hợp đồng sẽ bị chấm dứt.

Do từ chối hợp đồng sẽ dẫn đến hậu quả chấm dứt hoàn toàn hợp đồng
Khi từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cần phải lưu ý những điều sau:
- Bên muốn từ chối thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên còn lại trong vòng 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng.
- Tất cả các bên đều không có nghĩa vụ phải bồi thường khi có thiệt hại xảy ra do chấm dứt hợp đồng
2.2 Trường hợp đặc biệt
Một ngoại lệ là một bên có thể từ chối hợp đồng ngay sau khi phát sinh việc không thể hoàn thành nghĩa vụ do Covid-19 - sự kiện bất khả kháng, mà không cần phải trải qua một thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.

Trường hợp đặc biệt khi các bên ký kết hợp đồng có thời hạn cố định
Thời hạn cố định trong trường hợp này là bất kỳ thời hạn nào mà các bên đã thỏa thuận và đồng thời các bên phải thể hiện rõ rằng nếu bên có nghĩa vụ không hoàn thành nghĩa vụ trong thời hạn đã thỏa thuận thì bên có quyền được quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
Ví dụ: A ký kết hợp đồng thu mua hạt cà phê từ B để làm cà phê bột giao cho C đợt 1 (ngày 10/3/2021); đợt 2 (ngày 10/4/2021). Vì để tránh thiệt hại về sau, A đã thỏa thuận với B nếu B không thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng thì A có quyền chấm dứt hợp đồng để mua hàng ở chỗ khác.
Sau đó, vì Covid-19 nên việc vận chuyển giữa các tỉnh trở nên khó khăn, dẫn đến B không thể giao hàng đúng hạn. Trong trường hợp này, dù vì sự kiện bất khả kháng là Covid-19 nhưng các bên không cần tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà A có quyền từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng luôn.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều trở ngại, thử thách cho các doanh nghiệp, khiến việc thực hiện đúng hợp đồng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy hiểu rõ vấn đề tạm hoãn cũng như từ chối thực hiện hợp đồng do sự kiện bất khả kháng sẽ giúp các bên linh hoạt hơn khi thực hiện hợp đồng, cũng như bảo vệ được quyền lợi của mình.