Kinh doanh online thời gian gần đây liên tục được quan tâm và phát triển. Đặc biệt là khi nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cùng việc tiếp cận khách hàng thông qua internet trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cùng với sự phát triển đó, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định về giao dịch điện tử cùng yêu cầu đăng ký website thương mại điện tử để quản lý và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
1. Website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử
Website thương mại điện tử (TMĐT) được hiểu là trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động thương mại và các hoạt động liên quan khác đến thương mại. Sàn TMĐT là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu hoặc người quản lý website có thể tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên đó.

Hoạt động thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử là khái niệm hẹp nằm bên trong website TMĐT. Điểm phân biệt là website chỉ cần có hoạt động TMĐT thì được gọi là website TMĐT. Website đó nếu lập ra nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý website không tiến hành hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thì gọi là sàn TMĐT.
Hiện nay, sàn thương mại điện tử trở nên vô cùng phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể có thể kể đến một số sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo,…
2. Phân loại sàn thương mại điện tử
Thực tế, tùy theo đặc trưng cũng như yêu cầu mà có thể phân loại sàn thương mại thành nhiều loại. Thông thường, dựa vào đối tượng tham gia hoạt động thương mại tại sàn TMĐT, có các mô hình kinh doanh phổ biến như:
- Mô hình B2B: đây là từ viết tắt của cụm Business to Business, ví dụ như sàn TMĐT như Alibaba.com. Nó thực hiện hoạt động cung cấp sản phẩm/ dịch vụ từ doanh nghiệp này cho doanh nghiệp khác. Quy mô, số lượng hàng hóa của các hoạt động trao đổi lớn khiến đây là mô hình kinh doanh sàn TMĐT mơ ước trên toàn thế giới.
- Mô hình B2C: đây là từ viết tắt của cụm Business to Customer, ví dụ như sàn TMĐT như Nike, Adidas, Chanel,… Đây cũng là mô hình kinh doanh sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Nó thực hiện hoạt động cung cấp sản phẩm/dịch vụ từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
- Mô hình C2C: đây là từ viết tắt của cụm Customer to Customer, ví dụ như eBay, Amazon,… Nó là môi trường trực tuyến để người tiêu dùng thực hiện các giao dịch trao đổi hàng hóa với nhau.
3. Điều kiện cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
Hoạt động TMĐT diễn ra online sử dụng ứng dụng mạng internet với nhiều hạn chế trong quá trình trao đổi thông tin giữa người bán và người mua. Do đó, Nhà nước đặt ra các điều kiện nhất định khi doanh nghiệp mong muốn cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. Điều này vừa giúp thống nhất quản lý đồng thời bảo vệ lợi ích của bên yếu thế hơn là người tiêu dùng tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện nhất định khi mở sàn TMĐT
Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện cơ bản dưới đây để được đăng ký sàn giao dịch TMĐT:
- Một là, doanh nghiệp cần được thành lập theo pháp luật về đăng ký thành lập doanh nghiệp và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Hai là, doanh nghiệp đã có website thuộc sở hữu của mình. Theo đó, website đã có:
+ Quy chế hoạt động sàn giao dịch TMĐT;
+ Thông tin người bán;
+ Quy chế cho phép thương nhân, cá nhân tham gia sàn TMĐT (trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến);
+ Lưu trữ thông tin cá nhân tham gia sàn giao dịch điện tử và các chính sách bảo vệ người dùng;
- Ba là, doanh nghiệp cần chuẩn bị đề án cung cấp dịch vụ chứa nội dung mô hình tổ chức, quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ cung ứng website sàn TMĐT.
- Bốn là, doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT và đã được Bộ Công Thương cho phép.
4. Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Bộ Công Thương thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (gov.vn) tiếp nhận và xử lý các hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT. Quy trình đăng ký sàn giao dịch TMĐT được tiến hành qua các bước dưới đây:
- Bước 1: Đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống. Theo đó, doanh nghiệp cần cung cấp các thông tin cơ bản như: Tên doanh nghiệp, số ĐKKD, lĩnh vực kinh doanh, địa chỉ trụ sở và thông tin liên lạc.
- Bước 2: Nhận kết quả đăng ký tài khoản qua thư điện tử từ Bộ Công Thương về tài khoản đăng nhập hệ thống.
Thủ tục đăng ký sàn TMĐT?
- Bước 3: Doanh nghiệp đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT, tiến hành khai báo theo mẫu và đính kèm hồ sơ được yêu cầu.
- Bước 4: Nhận thông tin phản hồi qua địa chỉ thư điện từ về nội dung xác nhận hồ sơ hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
- Bước 5: Gửi bản giấy hoàn chỉnh về Cục TMĐT và Công nghệ thông tin khi đã được xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
- Bước 6: Bộ Công Thương gửi cho doanh nghiệp mã để gắn biểu tượng đăng ký sàn TMĐT lên website cung cấp dịch vụ TMĐT.
Thương mại điện tử đang là cơn sốt cho hoạt động kinh doanh thương mại, đặc biệt là thời gian gần đây khi dịch Covid-19 hoành hành. Đây là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp định hướng kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Tuy vậy, doanh nghiệp sẽ cần lưu ý về các điều kiện cũng như thủ tục đăng ký website sàn TMĐT.