Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được nhận hai khoản tiền là trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc như một khoản tiền hỗ trợ trong khoảng thời gian chưa tìm được công việc mới. Như vậy, đâu là sự khác biệt giữa trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc mà người lao động cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình?
1. Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là một khoản tiền người lao động được nhận khi nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV).
Trợ cấp thôi việc là một khoản tiền người lao động được nhận khi chấm dứt hợp đồng nếu hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách bất ngờ
Sau khi tìm hiểu khái niệm của trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc, có thể thấy một số sự điểm khác biệt sau: Một là, trợ cấp thất nghiệp áp dụng đối với người lao động giao kết theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, còn trợ cấp thôi việc chỉ áp dụng đối với người lao động giao kết theo hợp đồng lao động.
Hai là, người lao động để nhận trợ cấp thất nghiệp phải chủ động nộp hồ sơ trong khoảng thời gian hạn định, nhưng để nhận trợ cấp thôi việc thì người lao động không cần nộp hồ sơ.
2. Ai là người chi trả?
Đối với trợ cấp thất nghiệp, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức này nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với trợ cấp thôi việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả cho người lao động.

Đối với trợ cấp thất nghiệp, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả
3. Điều kiện hưởng trợ cấp của người lao động?
Đối với trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, trừ các trường hợp sau đây
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:
+ Đối với HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời hạn, HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn: từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt.
+ Đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng: từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong vòng 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ một số trường hợp tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013.
Đối với trợ cấp thôi việc, người lao động phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp HĐLĐ đương nhiên chấm dứt (trừ trường hợp NLĐ là người nước ngoài bị trục xuất) và trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên;
- Không thuộc các trường hợp sau:
+ Đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

Trợ cấp thôi việc không áp dụng với người được hưởng lương hưu
4. Cách tính số tiền nhận trợ cấp?
Trợ cấp thất nghiệp được tính như sau:
- Mức hưởng hằng tháng: 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định đối với NLĐ đóng theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng: được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Các tháng lẻ chưa được giải quyết sẽ được cộng dồn cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện.
Ví dụ: Nếu NLĐ đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp trong 24 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nếu NLĐ đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp trong 48 tháng thì được hưởng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp 50 tháng thì 2 tháng lẻ dư sẽ được cộng dồn cho lần tiếp theo, ví dụ sau đó NLĐ đã làm thêm 46 tháng, cộng dồn sẽ thành 48 tháng, nhận 4 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Khi chấm dứt HĐLĐ, NLĐ sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp thôi việc được tính như sau:
- Mức hưởng: thời gian làm việc (tính theo năm) x 50% tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi NLĐ thôi việc.
- Thời gian làm việc: tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động - thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp - thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Có thể kết luận rằng, khi chấm dứt HĐLĐ, NLĐ sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp cho khoảng thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và nhận trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ: NLĐ làm việc liên tục cho NSDLĐ từ ngày 1/1/2009 cho đến hết ngày 31/12/2018. Trong đó, NLĐ đã tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2011 cho đến hết ngày 31/12/2018. Như vậy, thời gian tính trợ cấp là 02 năm từ ngày 1/1/2009 cho đến hết ngày 31/12/2010.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể được nhận các khoản tiền khác nhau, trong đó bao gồm trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc. Tuy vậy, người lao động cần lưu ý đến những điểm khác biệt giữa trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc để có thể hiểu rõ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hiệu quả nhất.