Mặc dù đã trải qua thời gian dài chiến đấu nhưng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta. Trước tình hình đó, Chính quyền đã ra chỉ thị về việc hạn chế đi lại nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch. Lúc này, việc thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng trở thành bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi khi nào đại dịch Covid-19 được xem là sự kiện bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm?
1. Sự kiện bất khả kháng là gì?
Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách bất ngờ, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ mà không có cách nào để khắc phục. Ví dụ như là: hàng hóa, hoa màu bị ẩm mốc do ngập lụt, bão bất ngờ, khủng bố, sét đánh, ...

Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách bất ngờ
Sự kiện bất khả kháng là nội dung quan trọng được doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại. Cụ thể là hướng xử lý các nghĩa vụ hợp đồng không thể thực hiện hoặc chậm trễ khi bị cản trở do ảnh hưởng của Covid-19 theo thoả thuận hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật.Ví dụ: Khi gặp phải sự kiện bất khả kháng cản trở việc thực hiện hợp đồng, bên có nghĩa vụ hoàn toàn có thể được miễn trách nhiệm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ và được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật.
2. Cách xác định Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng
Có hai căn cứ để xác định sự kiện cụ thể do ảnh hưởng Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không là: Thỏa thuận trong hợp đồng và Quy định pháp luật dân sự.
2.1. Các bên thỏa thuận Covid 19 là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng
Khi các bên đã thoả thuận và có điều khoản liệt kê những sự kiện nào được xem là sự kiện bất khả kháng thì mình sẽ xác định dựa trên điều khoản đấy . Như vậy, nếu hợp đồng quy định rõ “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng thì đại dịch Covid-19 sẽ được xác định là sự kiện bất khả kháng.

Xem xét lại điều khoản hợp đồng
Căn cứ vào hợp đồng để xác định Covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng sẽ là con dao hai lưỡi mà doanh nghiệp cần lưu ý. Bởi lẽ, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể mà sự ảnh hưởng của Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng cũng có sự khác nhau. Do đó, không nên áp dụng tùy tiện điều khoản này để được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với danh nghĩa sự kiện bất khả kháng.
Ví dụ: Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch, Nhà nước ban hành quy định hạn chế đi lại, khiến việc giao hàng của cửa hàng không được thực hiện. Tuy vậy, đội ngũ shipper liên quận vẫn được hoạt động, và do đó cửa hàng vẫn có thể giao hàng cho khách đúng hạn. Lúc này, việc căn cứ Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm giao hàng không đúng hạn là không hợp lý.
Một điểm lưu ý khác các bên luôn có thể ngồi lại và sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng, bao gồm cả điều khoản về sự kiện bất khả kháng. Vì vậy, để rõ ràng và hạn chế tranh chấp phát sinh, doanh nghiệp có thể thỏa thuận lại cùng đối tác về việc đưa Covid-19 trở thành điều kiện bất khả kháng, hậu quả cũng như nghĩa vụ thông báo để giảm thiểu tối đa thiệt hại của các bên.
2.2. Xác định Covid-19 là sự kiện bất khả kháng theo quy định pháp luật
Khi hợp đồng không có thỏa thuận hoặc dẫn chiếu đến quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần đánh giá 03 điều kiện dưới đây trong hoàn cảnh cụ thể để xác định Covid-19 có là sự kiện bất khả kháng hay không?
Điều kiện 1: Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân được coi là khách quan khi không do bên có nghĩa vụ chủ quan gây ra. Theo đó, sự kiện này có thể được gây ra bởi người khác (như công nhân đình công, khủng bố, tai nạn lao động,...) hoặc bởi những yếu tố không phải là con người (như thiên tai, dịch bệnh, sấm sét,…).

Nguyên nhân khách quan
Đại dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan là điều mà không ai mong muốn. Tuy vậy, hoàn cảnh cụ thể chịu ảnh hướng từ dịch Covid-19 không phải lúc nào cũng xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Do đó, không phải lúc nào Covid-19 cũng được xem là sự kiện bất khả kháng.
Ví dụ: Công ty A cho nhân công thực hiện theo nguyên tắc 3 tại chỗ: ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ - sản xuất tại chỗ. Chị B ngay sau khi phát hiện mình bị sốt, test nhanh dương tính đã thông báo đến quản lý, nhưng công ty vẫn không khai báo y tế và cho chị tiến hành cách li kịp thời dẫn đến 500 nhân viên chung trong xưởng ngay sau đó đều bị nhiễm chéo và không thể hoàn thành lô hàng đúng hạn.
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến việc không thể hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của Công ty A. Và vì vậy, thật khó để xác nhận đây là sự kiện bất khả kháng và miễn trừ trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Điều kiện 2: Không lường trước tại thời điểm ký hợp đồng
Sự kiện bất khả kháng phải xảy ra một cách bất ngờ, và không có bất kỳ dấu hiệu nào để bên vi phạm có thể biết trước được rằng nó sẽ xảy ra. Do đó, dù xuất phát từ nguyên nhân khách quan nhưng doanh nghiệp có thể biết trước được vẫn không được xem là sự kiện bất khả kháng.

Thời điểm ký kết hợp đồng có ảnh hưởng lớn
Lại nói, không phải mọi sự kiện bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được xem là không lường trước được. Cụ thể:
- Trường hợp các bên ký hợp đồng khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng nổ thì rõ ràng hai bên hoàn toàn không thể lường trước được một dịch bệnh nặng nề, dễ lây lan sẽ xuất hiện và gây khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng. Lúc này, có thể xem là các bên không lường trước được tại thời điểm ký hợp đồng.
- Các bên ký hợp đồng sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì ta cần phải nhìn lại những tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 đã qua, và so sánh với tình hình hiện tại. Nếu như từ những lần bùng dịch trước việc thực hiện nghĩa vụ giống như vậy đã gặp khó khăn, thì ngay lúc ký kết hợp đồng, các bên phải đoán trước rằng Covid-19 sẽ ảnh hưởng thêm một lần nữa (ngay cả khi không có thoả thuận về sự kiện bất khả kháng).
Ví dụ: A giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói cho B vào tháng 05/2021, thì lúc giao kết hợp đồng A phải lường trước được rằng dịch Covid-19 sẽ có thể bùng phát và mình sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức tour du lịch cho B. Bởi lẽ, ở những đợt bùng dịch vào năm 2020 thì rõ ràng hoạt động du lịch đã bị ảnh hưởng một cách nặng nề.
Ngược lại, nếu những lần bùng dịch trước việc thực hiện nghĩa vụ tương tự vẫn diễn ra bình thường, nhưng ở lần bùng dịch hiện tại thì lại bị ảnh hưởng, thì đây có thể được xem là sự kiện nằm ngoài dự đoán của các bên khi đàm phán hợp đồng.
Điều kiện 3: Không thể được khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng
Một sự kiện được xem là “bất khả kháng” phải là một sự kiện mà doanh nghiệp “không thể nào làm khác đi được”. Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ sau khi thực hiện toàn bộ biện pháp trong khả năng mà vẫn không thể khắc phục được những tác động thì Covid-19 mới được xem là sự kiện bất khả kháng.
Ví dụ: Công ty X giao kết hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá cho D tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì dịch nên Chính quyền ra những chỉ thị hạn chế việc vận chuyển hàng hoá đến tận nhà, nhưng vẫn cho phép khi nhân viên vận chuyển đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ và xét nghiệm mỗi ngày.
Như vậy, trong trường hợp này, Công ty X có thể tổ chức cho nhân viên của mình được tiêm vắc xin và xét nghiệm mỗi ngày, do đó dịch bệnh Covid-19 cũng không được xem là sự kiện bất khả kháng.
Tuy vậy, trước những ảnh hưởng của Covid-19, các biện pháp khắc phục có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí như phí vận chuyển, giá thành nguyên liệu tăng làm cho việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn. Do đó, cách tốt nhất để xử lý là các bên nên ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ và giảm bớt thiệt hại nhất có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề đến hoạt động kinh doanh thương mại. Vì vậy, việc xác định dịch Covid-19 như là một sự kiện bất khả kháng để tạm hoãn, gia hạn việc thực hiện hợp đồng cũng là một cách để các doanh nghiệp có thể trụ vững qua khó khăn này, cũng như tạo tiền đề để tiếp tục phát triển sau đại dịch.