Trước sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, cái nhìn “xã hội” và pháp luật về quyền lợi của cộng đồng LGBT tại các nước phát triển trên Thế giới đã cởi mở hơn rất nhiều. Cùng với đó, tại Việt Nam - hôn nhân đồng tính trở thành vấn đề được quan tâm khá nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt là trước những “chuyển mình” trong quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Hôn nhân đồng tính là gì?
Đồng tính là thuật ngữ chỉ nhóm đối tượng có thiên hướng bị hấp dẫn về cảm xúc, tình yêu và/hoặc tình dục đối với những người cùng giới tính. Người đồng tính cũng như những người bình thường, chỉ là xuất phát từ nguyên nhân bẩm sinh, tâm lý và môi trường sống mà họ có sự khác biệt về xu hướng tình dục. Dù còn là vấn đề nhận được nhiều tranh cãi nhưng có thể nói rằng, đây không phải là một loại bệnh như định kiến của nhiều người trong xã hội.

Đồng tính xuất phát từ nguyên nhân bẩm sinh, tâm lý và môi trường sống
Hiện nay, để cổ vũ cho đối tượng đặc biệt này, hôn nhân đồng tính đã và đang trở thành vấn đề nhận được nhiều quan tâm. Theo đó, hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về mặt sinh học (hay giới tính xã hội). Họ có có thể cùng là nam hoặc cùng là nữ muốn kết hôn và sinh sống với nhau như “vợ chồng”. Hôn nhân của họ xuất phát từ tình yêu đồng tính, họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự đồng cảm và mong muốn được cùng nhau sống chung.
2. Hôn nhân đồng tính có bị cấm không?
Những sự kiện đòi hỏi sự bình đẳng đối với cộng đồng LGBT liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây. Khi mà quyền con người được ghi nhận như nội dung cơ bản trong hầu hết Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới, hôn nhân đồng tính đã được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ pháp luật?
2.1. Hôn nhân đồng tính tại các quốc gia trên thế giới
Hôn nhân đồng tính là vấn đề liên tục nhận được sự quan tâm thời gian gần đây. Không chỉ là cộng đồng LGBT mà những người tôn trọng sự bình đẳng và quyền con người cũng đã lên tiếng đòi hỏi lợi ích cho họ. Đứng trước tình hình đó, ở rất nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới sớm đã có những “động thái” nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này.

Nhiều quốc gia tiến bộ có “động thái” bảo vệ quyền cho nhóm đối tượng này
Cụ thể, Hà Lan (2000) là quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng tính kết hôn thông qua sự “Kết hợp dân sự”, theo đó họ được hưởng các quyền và nghĩa vụ tương đương với chế độ “kết hôn” thông thường. Tiếp sau đó là hàng loạt các quốc gia khác cũng “lên tiếng” công nhận hôn nhân đồng tính như Bỉ (2003), Tây Ban Nha, Canada (2005), Thụy Điển (2009),... mới đây nhất là Costa Rica (2020).
2.2. Hôn nhân đồng tính tại Việt Nam
Tại Việt Nam, trước đây khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn được áp dụng thì việc kết hôn giữa những người đồng tính ở Việt Nam bị nghiêm cấm. Không chỉ thế, hành vi kết hôn giữa những người có cùng giới tính còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
Gần đây, khi xã hội ngày càng văn minh và khi quyền con người là một vấn đề quan trọng liên tục được nhắc đến tại nhiều quốc gia tiên tiến. Việt Nam cũng có sự thay đổi về nội dung Hiến pháp về cách tiếp cận mới về quyền con người.
Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Phương châm “tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” đã được Hiến pháp 2013 thể hiện ngày càng đầy đủ hơn.
Từ nền tảng đó, đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, pháp luật đã có cái nhìn cởi mở hơn về những người đồng tính cũng như hôn nhân giữa họ. Theo đó, từ ngày 01/01/2015, pháp luật đã bãi bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Thay vào đó là quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Nói như vậy, giữa việc “cấm hôn nhân đồng tính” và “không thừa nhận hôn nhân đồng tính” có sự khác nhau như thế nào? Điều này có nghĩa là những người đồng tính vẫn có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau trên thực tế, nhưng ở góc độ pháp lý thì họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp và không thể đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước. Bước tiến này đã được xem là sự tiến bộ, là góc nhìn tích cực hơn trong nhận thức của xã hội về quyền kết hôn, quyền bình đẳng của những người đồng tính.
3. Những hệ quả của hôn nhân đồng tính tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện nay pháp luật không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính mà chỉ không thừa nhận dưới góc độ pháp luật. Liệu điều này có kéo theo những hệ lụy xoay quanh quan hệ hôn nhân đồng tính? Bởi lẽ, nếu không được Nhà nước thừa nhận thì cuộc hôn nhân đó sẽ không được pháp luật bảo vệ trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
3.1. Quan hệ nhân thân
Bởi lẽ hôn nhân đồng tính không được pháp luật Việt Nam công nhận nên giữa họ không có sự ràng buộc pháp lý giống như quan hệ hôn nhân thông thường. Nói cách khác, hôn nhân đồng tính sẽ không được xem là quan hệ vợ chồng, không được cấp giấy “đăng ký kết hôn” bởi cơ quan có thẩm quyền. Từ đó dẫn đến việc giữa họ sẽ không phát sinh các quyền và nghĩa vụ như vợ chồng hợp pháp. Cụ thể, khi cặp hôn nhân đồng tính nhận nuôi con thì việc xác định cha, mẹ, con cũng như việc đăng ký khai sinh cho con vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được pháp luật bảo vệ.

Việc xác định cha, mẹ, con nuôi chưa được pháp luật bảo vệ
3.2. Quan hệ tài sản
Tương tự vấn đề nhân thân, quan hệ tài sản trong quan hệ hôn nhân đồng tính cũng cũng có những điều cần lưu ý. Cụ thể như, giữa những người kết hôn đồng tính sẽ không có chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân, khi có tranh chấp về tài sản xảy ra thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết như tranh chấp theo Bộ luật dân sự. Theo đó:
- Tài sản riêng của mỗi người vẫn thuộc sở hữu của người đó nếu hai bên không có bất kỳ một văn bản, thỏa thuận nào về vấn đề cho phép người còn lại trở thành đồng sở hữu tài sản với mình.
- Đối với trường hợp tài sản được hình thành do sự đóng góp từ hai phía trong quá trình chung sống hoặc do một bên cho phép bên còn lại trở thành đồng sở hữu thì các tài sản đó được xem là tài sản chung của các bên.
Cùng với đó, về vấn đề phân chia tài sản chung, pháp luật Việt Nam tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp, cặp hôn nhân đồng tính không thoả thuận được về việc phân chia tài sản chung trong quá trình chia tay, thì khi đó, một trong hai bên có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết khối tài sản chung này.
Nhìn chung, quy định pháp luật về hôn nhân đồng tính tại Việt Nam hiện nay đã “cởi mở” hơn trước rất nhiều. Có thể thấy, dù hiện nay pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng tính nhưng sự thay đổi nêu trên được xem là tính hiệu vui đối với những cặp đôi cùng giới tính. Đây cũng là kết quả của một quá trình trao đổi, nhận thức của xã hội trong một thời gian dài.