Giao dịch vay tài sản không còn là quan hệ dân sự xa lạ, đặc biệt là các cá nhân/ doanh nghiệp cần điều động vốn tức thời. Tuy vậy, nội hàm cũng như nội dung pháp luật quy định về quan hệ vay - nhận này không phải ai cũng nắm rõ. Đừng bỏ qua nội dung bài viết dưới đây của Toplaw để hiểu rõ hơn về khái niệm, hình thức và những lưu ý xoay quanh giao dịch vay tài sản nhé!
1. Khái niệm về giao dịch vay tài sản?
Giao dịch vay tài sản hay còn hiểu nôm na là hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên xoay quanh vấn đề pháp lý: cho vay tài sản. Bên vay sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Theo đó, quyền và nghĩa vụ cơ bản giữa các bên sẽ là:
- Bên cho vay:
+ Quyền: Nhận chi phí là tiền lãi cho vay tài sản theo thỏa thuận (hoặc pháp luật quy định). Yêu cầu hoàn trả tài sản khi đến hạn, nhận lãi suất quá hạn (nếu có).
+ Nghĩa vụ: Giao tài sản cho vay đúng chất lượng, số lượng, mẫu mã,... theo sự thỏa thuận giữa các bên.

Hợp đồng cho vay tài sản là gì?
- Bên vay:
+ Quyền: Yêu cầu và được nhận tài sản đúng chất lượng, số lượng, mẫu mã,... đã thỏa thuận trước đó.
+ Nghĩa vụ: Thanh toán lãi vay đúng hạn theo thỏa thuận (hoặc pháp luật quy định nếu có). Hoàn trả đúng tài sản và chất lượng cho bên vay khi đến hạn.
Giao dịch vay tài sản ra đời từ chính nhu cầu khắc phục khó khăn trong cuộc sống hoặc quá trình sản xuất - vận hành của cá nhân/ doanh nghiệp. Lúc này, hợp đồng vay tài sản vừa là quan hệ hợp tác dưới góc nhìn kinh tế, vừa là sự hỗ trợ qua lại giữa các cá nhân/ doanh nghiệp hiện nay.
2. Bản chất hoạt động cho vay tài sản
Thứ nhất, quyền sở hữu và định đoạt tài sản cho vay thuộc về bên vay tài sản kể từ khi bên vay nhận tài sản. Đây cũng là điểm lưu ý cơ bản để phân biệt thuê, mượn với vay tài sản.
Thứ hai, nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho vay là đủ số tiền (với hợp đồng vay tiền), vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (với hợp đồng vay vàng, bạc, tài sản khác,...). Trường hợp không thể trả bằng vật thì có thể quy đổi thành tiền khi được bên cho vay đồng ý. Giá trị quy đổi tính tại địa điểm và thời điểm trả nợ theo thời hạn đã thỏa thuận.

Yêu cầu về lãi suất trên nợ gốc quá hạn, lãi suất chậm trả
Thứ ba, pháp luật có một số quy định nhằm bảo vệ và giúp người cho vay an tâm về khả năng nhận lại tài sản của mình. Cụ thể, địa điểm trả lại tài sản khi đến hẹn sẽ là nơi cư trú (hoặc đặt trụ sở) bên cho vay, trừ trường hợp thỏa thuận khác. Đến hạn trả lại tài sản mà bên vay không trả hoặc trả không đủ thì bên cho vay có thể yêu cầu thêm lãi chậm trả, lãi trên nợ gốc quá hạn không vượt quá mức lãi suất luật định.
3. Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh vấn đề giao dịch vay tài sản
Giao dịch vay tài sản vô cùng phổ biến mà hầu như cá nhân, doanh nghiệp nào cũng có thể thấy đâu đó trong cuộc sống hằng ngày. Tuy vậy, đối với đối tượng tài sản có giá trị càng lớn thì việc hiểu rõ các vấn đề pháp lý xoay quanh giao dịch này sẽ cần được chú trọng hơn nữa.
3.1. "Tài sản" trong giao dịch vay tài sản có bao gồm "tiền"?
Tiền nằm trong nội hàm “tài sản” hay được tách rời để trở thành đối tượng đặc biệt của giao dịch vay tài sản là vấn đề khá thú vị được quan tâm. Bộ luật dân sự 2015 quy định tại Điều 105, giải thích tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, về cơ bản, tiền chính là một loại tài sản được pháp luật công nhận. Nói cách khác, bản chất hợp đồng vay tiền cũng là một hợp đồng vay tài sản và được pháp luật dân sự điều chỉnh tại Mục 4 Chương XIV BLDS 2015.
3.2. Mục đích cho vay và hệ quả phát sinh?
Có thể từ một nguyên nhân nào đó như được nhờ vả, đồng cảm hoặc đơn giản là từ nhu cầu kinh doanh của mình mà bạn đã cho đối phương vay tài sản. Tuy vậy, để trở thành mục đích sử dụng tài sản mang tính ràng buộc, hai bên cần thỏa thuận và quy định rõ tại hợp đồng cho vay tài sản.
Thực tế thì pháp luật dân sự cho phép nhưng không bắt buộc các bên phải thỏa thuận về mục đích sử dụng tài sản cho vay. Tất nhiên, dù không quy định nhưng tài sản đó vẫn cần được sử dụng một các hợp pháp, không vi phạm điều cấm của luật. Tuy vậy, trường hợp các bên đã có sự thỏa thuận về mục đích thì bắt buộc bên vay phải thực hiện theo mục đích đó. Trường hợp không đúng, bên cho vay có thể nhắc nhở, thậm chí là đòi lại tài sản trước thời hạn đã thỏa thuận.

Pháp luật giới hạn mức lãi suất tối đa
3.3. Lãi suất tối đa?
Pháp luật tôn trọng và lấy sự thỏa thuận giữa các bên là cơ sở cho hầu hết các quan hệ dân sự phát sinh. Vấn đề lãi suất cũng vậy, các bên có thể thỏa thuận về mức lãi suất cho vay, thậm chí là không lãi suất. Tuy vậy, lãi suất đó không được quá 20%/năm của khoản tiền vay (hoặc mức lãi suất được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh hằng năm). Trường hợp các bên không có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất đó sẽ được xác định bằng ½ mức giới hạn nêu trên. Ngược lại, trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất cao, vượt quá mức giới hạn trên thì phần vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Đây cũng là vấn đề mà các cá nhân/ doanh nghiệp cần lưu ý để chủ động bảo vệ quyền lợi cho mình trước tình trạng cho vay nặng lãi hiện nay.
Trường hợp đến hạn mà người vay không hoàn trả hoặc trả không đủ tài sản vay thì bên vay có thể yêu cầu về lãi suất chậm trả. Khoản phí này được tính trên khoảng thời gian chậm trả với mức lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay theo hợp đồng (hoặc theo pháp luật). Mức chênh lệch này như “phí phạt” về việc người có nghĩa vụ chậm thực hiện việc hoàn trả tài sản theo lời hứa trước đó.
Giao dịch cho vay tài sản hay hợp đồng cho vay tài sản đã và đang là vấn đề pháp lý vô cùng gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Để cân bằng và bảo vệ quyền lợi cho các bên trong quan hệ dân sự này, pháp luật dân sự có những quy định nhất định điều chỉnh vấn đề này. Việc nắm bắt và hiểu rõ giúp cá nhân/ doanh nghiệp chủ động bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi tham gia giao dịch dân sự này.