Thành lập doanh nghiệp không chỉ là quy trình nộp hồ sơ đăng ký vào cơ quan có thẩm quyền và chờ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trước khi thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp còn rất nhiều nội dung cần lưu ý và thực hiện. Để tránh sai sót, lãng phí thời gian và tiền bạc, cùng điểm qua ngay các điều kiện thành lập doanh nghiệp cơ bản dưới đây nhé!
1. Cá nhân/ tổ chức thành lập và quản lý doanh nghiệp
Chủ sở hữu, thành viên hợp danh, cổ đông sáng lập, người quản lý doanh nghiệp,.... là (các) cá nhân, tổ chức cần đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp của luật định. Theo đó, về cơ bản, cá nhân hoặc tổ chức phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cá nhân/ tổ chức thành lập doanh nghiệp không rơi vào trường hợp luật cấm
Ngoài ra, luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể các đối tượng dưới đây không được thành lập doanh nghiệp:
- Cơ quan nhà nước/ đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong trường hợp sử dụng tài sản nhà nước để thành lập và thu lợi riêng cho cơ quan/ đơn vị của mình.
- Cán bộ/ công chức theo luật định.
- Sĩ quan/ hạ sĩ quan/ quân nhân chuyên nghiệp/ công nhân quốc phòng (thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam).
- Sĩ quan/ hạ sĩ quan chuyên nghiệp (thuộc Công an nhân dân Việt Nam).
- Lãnh đạo/ quản lý nghiệp vụ (trừ trường hợp người được cử làm đại diện ủy quyền) hiện làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước.
- Người bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh.
- Các trường hợp khác theo quy định luật phá sản.
2. Ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp được quy định theo luật đầu tư 2020 và không được rơi vào 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh dưới đây:
- Chất ma túy;
- Hóa chất, khoáng chất quý hiếm/ nguy hiểm được liệt kê tại phụ lục II Luật đầu tư 2020;
- Thực vật/ động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác tự nhiên; các loại động - thực - thủy sản quý hiếm, nguy cấp có nguồn gốc khai thác tự nhiên.
- Mại dâm;
- Mua/bán người, mô, xác, bào thai hoặc bộ phận bất kỳ trên cơ thể người.
- Hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Pháo nổ;
- Dịch vụ đòi nợ.

Cần có sự cân nhắc khi lựa chọn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngoài ra, từ năm 2021 trở đi, luật cũng có sự điều chỉnh và quy định rõ 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp khi muốn đăng ký và hoạt động trong các ngành, nghề này cần đáp ứng các điều kiện nhất định tương ứng. Ví dụ, để hoạt động kinh doanh môi giới chứng khoán thì chủ sở hữu cần có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nhìn chung, các ngành nghề kinh doanh bị cấm hiện nay đều nhằm mục đích cần thiết liên quan đến trật tự an ninh xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng,.... Do đó, doanh nghiệp sẽ cần tìm hiểu và chọn lọc các ngành, nghề kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp. Đặc biệt là có sự chuẩn bị cho các ngành nghề có điều kiện để hoàn tất các giấy tờ và thủ tục thành lập nhằm tránh mất thời gian, công sức.
3. Tên công ty
Về cơ bản, tên doanh nghiệp cần bao gồm hai (02) thành tố là “loại hình doanh nghiệp” + “tên riêng”. Theo đó, ví dụ bạn mong muốn thành lập doanh nghiệp là công ty TNHH MTV có tên là XYZ thì sẽ điền tên doanh nghiệp “Công ty TNHH MTV XYZ” hoặc “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên XYZ”.
Ngoài ra, để người tiêu dùng có khả năng phân biệt thì tên doanh nghiệp được đặt không được trùng hoặc nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã được đăng ký. Hiện nay, quy định không trùng hoặc gây nhầm lẫn này đã được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, bạn không thể đặt những tên doanh nghiệp có cách đọc giống nhau; không thêm chữ “Tân”, “Mới”,.... sau các tên doanh nghiệp có trước để tránh gây nhầm lẫn. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (được nhà nước công nhận và bảo hộ) đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý nào đó.
4. Trụ sở công ty
Trụ sở hay còn được biết đến là địa chỉ công ty chính là một trong những nội dung quan trọng có trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Để đáp ứng điều kiện thành lập doanh nghiệp, trụ sở phải là địa điểm liên lạc thuộc quyền sử dụng hợp pháp theo luật định.

Trụ sở công ty cần được thể hiện rõ ràng 4 cấp theo quy định
Theo đó, trụ sở cần đặt trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng theo 4 cấp (tỉnh/thành phố - quận/huyện/thị xã - phường/thị trấn/thôn/xã - đường/ngõ phố/ hẻm - số nhà). Trường hợp là trung tâm thương mại hoặc chung cư thì phải là địa chỉ chính xác (phòng - lầu - dãy nhà) mà chủ đầu tư đã xin chức năng kinh doanh trước đó. Do vậy, đối với chung cư có chức năng để ở thì không được phép đặt địa chỉ trụ sở công ty ở đó.
5. Vốn điều lệ
Vốn điều lệ là khoản vốn gồm tiền hoặc tài sản được dùng để đầu tư và duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mức vốn cần được xem xét và đánh giá mức độ phù hợp với lĩnh vực và quy mô của đơn vị.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật quy định về mức vốn pháp định. Theo đó, đây là số vốn tối thiểu mà nhà nước cho rằng cần có để đầu tư và duy trì tốt hoạt động của doanh nghiệp. Và vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư ban đầu không được thấp hơn với mức vốn pháp định này.
Trên đây là những điều kiện thành lập doanh nghiệp chung và cơ bản nhất để có thể đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với từng loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh sẽ có những lưu ý cụ thể tương ứng. Đó cũng là lý do mà các cá nhân/ tổ chức cần có sự cân nhắc và tìm hiểu rõ trước khi tiến hành thủ tục đăng ký để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.