Cá nhân/ tổ chức mất một khoản thời gian nhất định để chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nghĩ rằng sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là có thể đi vào hoạt động. Tuy vậy, pháp luật hiện hành vẫn quy định một số thủ tục hành chính mà doanh nghiệp cần thực hiện sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1. Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp lên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần làm gì? Việc đầu tiên là bạn cần kiểm tra và xác nhận những thông tin trên giấy chứng nhận liệu có chính xác? Sau đó, doanh nghiệp cần tiến hành công bố thông tin lên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (dangkykinhdoanh.gov.vn). Đây là hoạt động cần thiết cho quy trình hệ thống hóa và quản lý thông tin hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giao diện dangkykinhdoanh.gov.vn
Theo đó, đại diện doanh nghiệp cần cập nhật nội dung giấy chứng nhận, bao gồm: ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có). Hoạt động này cần thực hiện ngay trong thời hạn 30 ngày kể từ khi những thông tin này được công khai.
Trường hợp doanh nghiệp phát hiện giấy chứng nhận có những thông tin chưa chính xác so với hồ sơ đăng ký thì có thể tiến hành yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung tương ứng. Lưu ý, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu có hành vi tự ý thay đổi nội dung như cạo, sửa hoặc viết thêm vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Khắc dấu và đăng ký con dấu
Con dấu từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Để công nhận và quản lý “loại chữ ký đặc biệt” này, nhà nước quy định doanh nghiệp sau khi khắc con dấu cần đăng ký mẫu dấu với Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và đăng tải thông tin này lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp
Về cơ bản, doanh nghiệp có thể tự mình quyết định hình thức, nội dung và số lượng con dấu sử dụng cho hoạt động doanh nghiệp, chi nhánh hay văn phòng đại diện. Sau khi đã khắc dấu, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký con dấu bằng cách thông báo các nội dung sau:
- Thông tin doanh nghiệp: Tên, mã số, địa chỉ trụ sở;
- Thông tin con dấu: Số lượng, mẫu, thời điểm có hiệu lực.
Sau khi đăng ký và nhận biên lai từ Phòng đăng ký kinh doanh là doanh nghiệp đã hoàn tất quy trình này. Lúc này, chuyên viên sẽ đăng tải mẫu con dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Nghĩa vụ thuế
Thuế là nội dung rất quan trọng và cần được theo dõi, thực hiện đúng theo quy định của nhà nước. Doanh nghiệp ngay sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã phát sinh nhiều nghĩa vụ liên quan đến thuế, cụ thể:
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần kê khai và nộp thuế môn bài cho chi cục thuế quản lý nơi đặt trụ sở công ty.
- Thực hiện đăng ký kê khai thuế và đăng ký nộp thuế điện tử với hồ sơ bao gồm:
+ Phương pháp tính thuế GTGT;
+ Đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng;
+ Bản sao giấy đăng ký kinh doanh;
+ Giấy tờ pháp lý người đại diện pháp luật của doanh nghiệp;
+ Thông báo chấp thuận đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử qua ngân hàng.
4. Đặt in và sử dụng hóa đơn GTGT
Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hóa đơn tự in cần hoàn tất thủ tục đề nghị sử dụng hóa đơn với cơ quan Thuế có thẩm quyền. Theo đó, hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Công văn đặt in hóa đơn;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của cơ quan thuế.

Đăng ký tự in hoặc mua hóa đơn GTGT
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn từ cơ quan thuế để sử dụng thì cần tiến hành thủ tục mua hóa đơn tại cơ quan Thuế có thẩm quyền. Theo đó, hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Đơn đề nghị mua hóa đơn
- Bản cam kết (theo mẫu được cơ quan Thuế có thẩm quyền hướng dẫn);
- Thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của cơ quan Thuế;
- Chứng từ xác nhận đã nộp thuế môn bài;
- Bản sao giấy phép đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Thông thường, sớm nhất sau khoảng năm (05) ngày làm việc, cơ quan Thuế sẽ có thông báo về kết quả về việc chấp thuận để doanh nghiệp tự in hoặc mua hóa đơn GTGT. Doanh nghiệp sau khi nhận kết quả mới tiến hành liên hệ nhà in để đặt in hóa đơn GTGT đã đăng ký.
5. Những hoạt động khác
Ngoài những thủ tục cần lưu ý nêu trên, doanh nghiệp sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng cần lưu ý các công việc khác như:
- Lập danh sách thành viên/ cổ đông và chứng nhận góp vốn trong thời hạn đăng ký;
- Thông báo danh sách thành viên/ cổ đông và chứng nhận góp vốn bằng văn bản cho Phòng đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư;
- Treo biển tên tại trụ sở công ty;
- Đăng ký lao động và bảo hiểm lao động (nếu có);
- Lập sổ sách kế toán;
- Các thủ tục liên quan khác (nếu có).
Doanh nghiệp sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã có tư cách pháp nhân. Tuy vậy, để chính thức đi vào hoạt động đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý hoàn tất các thủ tục nêu trên. Việc thực hiện các nghĩa vụ thuế hay đăng ký/ thông báo/ công bố thông tin chậm trễ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành.