Hợp đồng vay tài sản tùy thuộc vào lãi suất, kỳ hạn mà có thể chia thành nhiều loại khác nhau. Theo đó, để cân bằng và bảo vệ quyền, lợi ích giữa các bên, pháp luật dân sự cũng có một số quy định khác biệt cho từng loại hợp đồng tương ứng. Dưới đây là một số lưu ý cơ bản đối với từng loại hợp đồng vay tài sản thường gặp hiện nay.
1. Một số hợp đồng vay tài sản thường gặp
Hợp đồng vay tài sản tùy vào mức lãi suất mà có thể chia thành hai loại, cụ thể:
- Hợp đồng có đền bù - tức có lãi suất cho vay;
- Hợp đồng không có đền bù - tức không có lãi suất.

Hợp đồng vay tài sản gồm những loại nào?
Tùy theo kỳ hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán mà hợp đồng cho vay còn được chia thành hai loại là:
- Hợp đồng cho vay tài sản có kỳ hạn;
- Hợp đồng cho vay tài sản không kỳ hạn.
Theo đó, một số quy định về pháp luật đối với các loại hợp đồng này cũng có sự khác nhau cơ bản quy định tại Mục 4 Chương XIV Bộ luật dân sự 2015, về: sự cân bằng giữa quyền yêu cầu về chất lượng tài sản - nghĩa vụ thanh toán, thời hạn hoàn trả tài sản, điều kiện hoàn trả trước thời hạn,...
2. Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, có lãi suất
Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, có lãi suất là hợp đồng thường gặp nhất trên thực tế áp dụng hiện nay. Điển hình cho loại hợp đồng này là hợp đồng vay tín dụng, hợp đồng vay tiền,... Theo đó, bên A cho bên B vay một số tiền/ tài sản trong một thời hạn xác định được thỏa thuận từ trước. Trong thời gian đó, bên B sẽ thanh toán mức lãi suất định kỳ tháng tháng/ quý/ năm do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định (trường hợp các bên không có thỏa thuận).
Thời hạn trả lại tài sản cho vay đã được các bên thỏa thuận và ghi lại tại nội dung hợp đồng. Do đó, theo lẽ đương nhiên thì bên cho vay không được yêu cầu hoàn trả tài sản cho vay trước kỳ hạn trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoài lệ như việc bên vay sử dụng tài sản không đúng mục đích mà hai bên đã thỏa thuận và ghi nhận trước đó.
Ngược lại, bên vay vẫn có thể trả lại tài sản trước kỳ hạn mà hai bên đã thỏa thuận. Điểm lưu ý là bên vay vẫn phải chịu toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác. Điều này giúp bên A có khả năng chủ động thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản mà không ảnh hưởng đến quyền lợi (ở đây là lãi suất) của bên cho vay đã được thống nhất từ ban đầu.

Có thể phân loại hợp đồng vay theo kỳ hạn
3. Hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, không lãi suất
Hợp đồng cho vay có kỳ hạn, không lãi suất nghe có vẻ xa lạ nhưng thực tế lại khá gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Bởi lẽ, đây chính là ngôn ngữ pháp lý cho trường hợp “mượn” tiền “một tuần” hoặc “một tháng” mà chúng ta vẫn thường gặp. Đây là việc bên A cho bên B vay tài sản không lãi suất nhưng phải hoàn trả trong một kỳ hạn xác định. Xoay quanh vấn đề kỳ hạn, nghĩa vụ hoàn trả cũng như yêu cầu trả lại tài sản trước hẹn cũng có những lưu ý. Theo đó, bên vay có thể trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng cần báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Bởi lẽ, thực tế thì bên B có thể sẽ cần thời gian để chuẩn bị kho, địa điểm cũng như điều kiện bảo quản tài sản hoàn trả chẳng hạn.
Tuy bên cho vay không thu lãi suất nhưng cũng cần đảm bảo những quyền và lợi ích “ngay tình” cho người vay. Thực tế thì rất nhiều trường hợp có thể phát sinh như do xảy ra mâu thuẫn mà bên cho vay đơn phương yêu cầu trả lại tài sản trước hạn như một cách “trả đũa”. Đối với trường hợp này, pháp luật có quy định rằng bên cho vay có thể yêu cầu hoàn trả tài sản sớm hơn kỳ hạn đã thỏa thuận, nhưng cần được bên vay đồng ý. Điều này nhằm tôn trọng thỏa thuận giữa các bên cũng như mục đích, giá trị ban đầu hợp đồng được tạo ra.
4. Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, có lãi suất
Hợp đồng cho vay không kỳ hạn, có lãi suất là hợp đồng tuy có thỏa thuận về mức lãi suất theo tháng/quý/năm nhưng không quy định rõ về kỳ hạn hoàn trả tài sản nhất định. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người vay có thể giữ tài sản mãi và chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trả lãi. Nghĩa vụ hoàn trả sẽ phát sinh theo sự việc cụ thể một cách hợp lý như nhu cầu nhận lại tài sản của bên cho vay hoặc nhu cầu trả lại tài sản của bên vay. Cụ thể, bên cho vay có thể đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng cần báo trước cho bên vay một thời hạn hợp lý. Ngược lại, bên vay cũng có thể trả lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng cũng cần báo trước cho bên cho vay trước một thời hạn hợp lý. Khi đó, bên vay sẽ thanh toán kèm theo lãi suất tính đến thời điểm trả nợ nêu trên.

Lãi suất không được vượt quá mức trần nhà nước quy định
5. Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, không lãi suất
Hợp đồng cho vay tài sản không kỳ hạn và không lãi suất cũng tương tự như hợp đồng không kỳ hạn, có lãi suất. Điểm khác biệt là bên A cho bên B vay tài sản nhưng không có yêu cầu về lãi suất. Theo đó, hai bên cũng có thể đòi lại tài sản/ trả lại tài sản bất kỳ lúc nào nhưng cần báo trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tuy vậy, thực tế việc xác định như thế nào là “một thời gian hợp lý” lại có sự khác nhau tùy từng hoàn cảnh, đối tượng tài sản,.... Đây cũng là điểm hạn chế khi áp dụng pháp luật dân sự trên thực tế khi xét xử những vụ việc tranh chấp xoay quanh hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn. Do đó, nếu có thể, các bên nên thỏa thuận trước với nhau về một thời gian “xác định” để yêu cầu đối phương trả lại tài sản.
Trên đây là một số loại hợp đồng vay tài sản thường gặp được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh. Tương ứng với từng loại hợp đồng vay sẽ có những lưu ý nhất định về nghĩa vụ thanh toán lãi suất và hoàn trả lại tài sản. Việc nắm bắt được khái niệm giúp bạn xác định loại hợp đồng vay mà mình đang thực hiện, đồng thời hiểu rõ hơn giá trị của từng điều khoản cần được các bên thỏa thuận và ghi nhận tại hợp đồng.