Các phương thức để giải quyết tranh chấp bao gồm: thương lượng, hòa giải, giải quyết bằng Trọng tài thương mại hoặc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Ngoài những ưu điểm nổi trội thì các phương thức này còn có những nhược điểm riêng. Cùng tìm hiểu thêm về ưu và nhược điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại qua bài viết này!
1. Khái quát về các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại
Thương lượng, hòa giải, giải quyết bằng Trọng tài thương mại hay giải quyết tranh chấp tại Tòa án là những phương thức mà hầu hết những nhà kinh doanh đều biết đến. Những phương thức này được pháp luật quy định và giúp các bên tranh chấp có thể tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Khái niệm cũng như phương hướng giải quyết của mỗi phương thức này là khác nhau, bạn đọc có thể tham khảo rõ hơn tại bài viết sau đây: Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
2. Ưu điểm và nhược điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp
Để doanh nghiệp có thể lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với mình thì việc nắm được những ưu nhược điểm của các phương thức tranh chấp là điều hết sức cần thiết. Cụ thể, ưu điểm và nhược điểm của mỗi phương thức như sau:
2.1. Thương lượng
Thương lượng là hình thức do các bên tự thực hiện và giải quyết những tranh chấp trong phạm vi mà các bên thỏa thuận, nguyên tắc và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng thương lượng chưa được pháp luật quy định mà phụ thuộc vào ý chí của các bên.

Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp có những ưu và nhược điểm riêng
* Ưu điểm:
- Có thể thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng, đơn giản và ít tốn kém chi phí, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên tranh chấp;
- Không làm mất sự uy tín và danh tiếng của doanh nhân trên thị trường đồng thời giữ sự bí mật trong hoạt động kinh doanh;
- Không bị ràng buộc pháp lý và có tính chất khuyến khích các bên tự thực hiện.
* Nhược điểm:
- Kết quả giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào sự thiện chí giữa các bên.
- Thường chỉ giải quyết được những tranh chấp không có mâu thuẫn quá lớn.
- Việc thực hiện kết quả thương lượng khó có thể kiểm soát, theo dõi vì không mang tính cưỡng chế, bắt buộc.
2.2. Hòa giải
Hòa giải tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được thực hiện thông qua người thứ ba là hòa giải viên, giải quyết những tranh chấp trong phạm vi mà các bên thỏa thuận. Việc hòa giải được pháp luật quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP và điều kiện là phải có thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng hòa giải thương mại.
* Ưu điểm:
- Sẽ được hòa giải viên đưa ra lời khuyên, tư vấn giải quyết sao cho phù hợp cho cả hai bên.
- Không bị ràng buộc pháp lý và không bắt buộc phải thi hành.
* Nhược điểm:
- Kết quả giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào sự thiện chí giữa các bên.
- Tốn kém chi phí và hiệu quả giải quyết tranh chấp không cao.

Các bên cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp lý
2.3. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được Trọng tài thương mại thực hiện, phạm vi giải quyết tranh chấp dựa theo yêu cầu của bên khởi kiện. Việc giải quyết này được quy định tại Luật Trọng tài thương mại và điều kiện giải quyết là phải có thỏa thuận trọng tài.
Để tìm hiểu rõ hơn về ưu và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, bạn đọc có thể tham khảo bài viết: Ưu điểm và nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
2.4. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước, được thực hiện thông qua người có thẩm quyền là Thẩm phán và phạm vi giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào yêu cầu của bên khởi kiện. Việc giải quyết tranh chấp này phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và có điều kiện là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết tại Tòa án đồng thời phải có đơn khởi kiện của một trong các bên.
* Ưu điểm:
- Có trình tự thủ tục nghiêm ngặt, buộc các bên phải thực hiện theo đúng quy định.
- Quyết định giải quyết tranh chấp bắt buộc phải thi hành, nếu một trong các bên không thi hành thì sẽ bị cưỡng chế.
*Nhược điểm:
- Quyết định giải quyết tranh chấp được công khai dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các bên.
- Thời gian giải quyết khá lâu và thủ tục thiếu linh hoạt do tuân theo thời hạn mà pháp luật quy định.
3. Thực trạng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại
Trên thực tế, khi có tranh chấp xảy ra các bên hầu như sẽ chủ động thực hiện việc giải quyết theo trình tự. Đầu tiên là thương lượng, hòa giải, sau khi thương lượng hòa giải không thành thì các bên sẽ tính đến phương án là lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại hay giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào chủ thể giải quyết và ý chí các bên
Nhìn chung các tranh chấp có giải quyết được nhanh chóng hay không thì ý chí của các bên là điều quan trọng. Không chỉ là cá nhân mà bất kể các bên nào khi có tranh chấp cần giải quyết thì đều muốn quyền lợi của mình được bảo vệ một cách toàn vẹn nhất, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại cũng vậy.
Vì vậy, khi cần phải giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại, các bên cần hiểu rõ về các phương thức giải quyết tranh chấp, ưu và nhược điểm của các phương thức này để có thể lựa chọn được phương thức phù hợp nhất cho mình!