Các giao dịch dân sự hay hợp đồng kinh tế phát sinh trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không còn là khái niệm xa lạ. Theo đó, nội dung giải quyết tranh chấp thương mại cũng được các bên cân nhắc thỏa thuận và ghi nhận bằng văn bản. Vậy, nên hiểu như thế nào là tranh chấp thương mại và phương hướng giải quyết nào là đúng đắn dành cho doanh nghiệp?
1. Như thế nào là tranh chấp thương mại?
Pháp luật hiện hành hiện chưa có điều khoản để quy định và giải thích rõ như thế nào là tranh chấp thương mại (hay tranh chấp kinh doanh). Tuy vậy, từ thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, có thể hiểu tranh chấp thương mại là những xung đột phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tranh chấp có thể phát sinh từ hai bên hoặc nhiều bên
Luật thương mại 2005 hiện có điều khoản giải thích về ý nghĩa của hoạt động thương mại. Theo đó, đây là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, khái niệm này được mở rộng bao gồm cả các hoạt động phát sinh trong kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi khác.
2. Có những loại tranh chấp thương mại nào?
Tùy theo quan hệ xã hội làm phát sinh tranh chấp thương mại mà doanh nghiệp có thể chia tranh chấp thương mại theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại cơ bản:
- Dựa trên phạm vi lãnh thổ chia thành 02 loại:
+ Tranh chấp thương mại trong nước;
+ Tranh chấp thương mại quốc tế;
- Dựa trên số lượng các bên trong quan hệ tranh chấp chia thành 02 loại:
+ Tranh chấp thương mại giữa hai (02) bên;
+ Tranh chấp thương mại giữa nhiều bên;
- Dựa vào lĩnh vực xảy ra tranh chấp có thể chia thành các loại như:
+ Tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh tế;
+ Tranh chấp liên quan đến đầu tư, tài chính;
+ Tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ,…
- Dựa vào thời điểm phát sinh mà chia thành 02 loại:
+ Tranh chấp thương mại hiện tại;
+ Tranh chấp thương mại trong tương lai;
Tuy vậy, tùy theo từng vụ việc thực tế cũng như đặc điểm của tranh chấp thương mại mà doanh nghiệp có thể phân loại và gọi tên loại tranh chấp khác nhau. Hiện nay, tranh chấp thương mại phát sinh từ hợp đồng kinh tế là loại tranh chấp phổ biến nhất. Theo đó, vấn đề xảy ra xung đột thường xoay quanh nội dung thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.

Tranh chấp thương mại là những xung đột phát sinh từ hoạt động kinh doanh
3. Có thể giải quyết tranh chấp thương mại bằng cách nào?
Trong hầu hết các quan hệ dân sự hiện nay, pháp luật Việt Nam luôn có sự tôn trọng nhất định với sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, hình thức giải quyết tranh chấp thương mại cũng được các bên cân nhắc và thỏa thuận khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, Luật thương mại 2005 cũng có quy định và hướng dẫn về các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại có thể được áp dụng hiện nay.
3.1. Thương lượng giữa các bên
Thương lượng giữa các bên là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại đơn giản và được khuyến khích áp dụng đầu tiên khi có xung đột phát sinh. Bởi lẽ, thương lượng là cơ hội để hai bên ngồi lại cùng thỏa thuận nhằm đi đến lựa chọn cách thức giải quyết hợp tình, hợp lý cho cả hai mà không làm mất đi hòa khí, thời gian và tiền bạc.
3.2. Hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có đặc điểm tương tự như hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên. Tuy nhiên, quá trình hòa giải này có nhờ đến sự can thiệp của bên thứ ba được gọi là hòa giải viên. Theo đó, hòa giải viên thường là người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn và am hiểu nhất định về vấn đề hoặc lĩnh vực đang xảy ra tranh chấp.
Hòa giải vẫn phát huy được những ưu điểm nhất định như tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy vậy, việc có người thứ ba xuất hiện không đảm bảo hoàn toàn việc giữ gìn bí mật kinh doanh của hai bên. Đồng thời, ghi nhận cuối cùng của phiên hòa giải cũng không mang tính ràng buộc các bên phải thực hiện mà xuất phát từ sự công nhận và tự giác thực hiện giữa các bên.
3.3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án
Tương tự hòa giải, giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài hoặc Tòa án là phương thức nhờ đến bên thứ ba là Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án nhân dân giải quyết xung đột. Theo đó, phán quyết trọng tài hay phán quyết của Tòa án đều có giá trị ngang nhau, bắt buộc các bên phải thi hành.

Giải quyết tranh chấp khi có sự can thiệp từ bên thứ ba
Tuy vậy, Trọng tài thương mại là tổ chức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nên có sự chủ động và linh động hơn. Trong khi đó, Tòa án là cơ quan xét xử nhân danh quyền lực Nhà nước nên có những quy trình và thủ tục chặt chẽ, nghiêm ngặt. Đó cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp hiện nay thường cân nhắc về việc lựa chọn Tòa án hay Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.
Tranh chấp thương mại có bản chất là những xung đột có thể xảy ra trong hầu hết các hoạt động kinh doanh hiện nay. Do đó, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại cũng là nội dung các doanh nghiệp cần lưu ý. Hy vọng nội dung trên đây sẽ giúp các doanh nghiệp có cách nhìn khái quát về vấn đề tranh chấp thương mại và những phương thức giải quyết thường được áp dụng hiện nay.