Thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự được coi là quá trình từ khi người khởi kiện bắt đầu tiến hành nộp đơn khởi kiện lên Tòa án cho đến khi tranh chấp đó được Tòa án thụ lý và chuẩn bị xét xử. Quá trình này không mất quá nhiều công đoạn, tuy nhiên để việc khởi kiện được Tòa án chấp nhận thì cũng gặp không ít khó khăn. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về thủ tục tố tụng này qua bài viết sau đây!
1. Khái niệm và ý nghĩa của việc khởi kiện tranh chấp dân sự
Trước khi đi vào tìm hiểu quá trình thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự, bạn cần phải hiểu như thế nào là khởi kiện tranh chấp dân sự và ý nghĩa của công việc này.
1.1. Khái niệm khởi kiện tranh chấp dân sự
Pháp luật Việt Nam luôn có những quy định nhằm bảo hộ các quyền của cá nhân, cơ quan và tổ chức trong hầu hết các sự kiện xảy ra trên thực tế. Đối với các tranh chấp về dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức được bảo hộ bằng cách khởi kiện tranh chấp đó ra Tòa án có thẩm quyền.
Theo đó, khởi kiện tranh chấp dân sự được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc chủ thể khác thực hiện việc nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay người khác.
1.2. Ý nghĩa của việc khởi kiện tranh chấp dân sự
Việc khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án mang lại nhiều ý nghĩa nhất định cho những người cần được pháp luật bảo vệ:
- Thứ nhất, khởi kiện tranh chấp dân sự là phương thức đầu tiên để cá nhân, cơ quan, tổ chức thông báo rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
- Thứ hai, khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án sẽ được Nhà nước, pháp luật bảo vệ kịp thời và sớm chấm dứt các hành vi trái luật hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những hành vi đó.
- Thứ ba, khởi kiện tranh chấp dân sự còn là hoạt động nhằm củng cố trật tự xã hội. Kết quả của việc khởi kiện sẽ được sự ghi nhận của toàn dân.

Giải quyết tranh chấp dân sự bằng cách khởi kiện ra Tòa án
2. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự gồm những gì?
Tùy thuộc vào loại tranh chấp dân sự mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự sẽ bao gồm những giấy tờ khác nhau. Ngoài đơn khởi kiện và giấy tờ nhân thân của các bên, những tài liệu cần thiết trong hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự gồm có:
- Đối với tranh chấp về hợp đồng:
+ Hợp đồng do các bên ký kết;
+ Chứng cứ, tài liệu thể hiện quá trình thực hiện hay vi phạm hợp đồng.
- Đối với tranh chấp về đất đai:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các bên có tranh chấp (nếu có)
+ Chứng cứ, tài liệu thể hiện quyền sử dụng đất của các bên.
- Đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
+ Giấy khai sinh của các con;
+ Giấy chứng nhận sở hữu tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.

Hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự gồm nhiều giấy tờ khác nhau
- Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
+ Chứng cứ, tài liệu thể hiện việc vi phạm pháp luật và gây thiệt hại, lỗi của người bên gây thiệt hại.
+ Giấy tờ xác nhận những thiệt hại xảy ra trên thực tế và chứng từ kê khai chi phí sửa chữa, khắc phục.
- Đối với tranh chấp về thừa kế:
+ Di chúc (nếu có);
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
+ Bản kê khai các di sản và giấy tờ sở hữu của người để lại di sản;
+ Giấy tờ xác nhận mối quan hệ huyết thống hoặc con nuôi để xác định hàng thừa kế v.v...
Ngoài ra, người khởi kiện cần cung cấp những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến tranh chấp dân sự mà người khởi kiện yêu cầu giải quyết. Sự hợp lệ của hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự là điều kiện quan trọng để Tòa án xem xét có thụ lý tranh chấp dân sự đấy hay không. Theo đó, doanh nghiệp cần lưu ý những loại giấy tờ cần chuẩn bị đối với mỗi loại tranh chấp nêu trên.
3. Thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp dân sự
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự, việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết các tranh chấp đấy cũng hết sức quan trọng. Tranh chấp dân sự được cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết tại mỗi cấp Tòa án.
Những tranh chấp mà người khởi kiện có thể khởi kiện ra Tòa án được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Người khởi kiện cần phải lựa chọn Tòa án theo cấp và theo lãnh thổ dựa vào mỗi loại tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Tranh chấp dân sự phải được khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền
Ngoài ra, đối với việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản hay quyền sử dụng đất, người khởi kiện chỉ có thể khởi kiện tại Tòa án nơi có bất động sản. Ví dụ: tranh chấp dân sự là tranh chấp đất đai tại Thành phố Hồ Chí Minh thì người khởi kiện chỉ có thể khởi kiện tranh chấp đó ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết.
4. Các bước thực hiện khởi kiện tranh chấp dân sự
Việc khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án cũng cần phải được thực hiện theo những trình tự nhất định. Trường hợp tranh chấp dân sự chưa xác định được người bị kiện thì có quyền và lợi ích bị xâm phạm cần xác minh được chủ thể gây ra điều đó. Nếu tranh chấp dân sự đấy đã xác định được người bị kiện, các hành vi vi phạm pháp luật thì người khởi kiện tiến hành các bước sau:
- Bước 1: chuẩn bị đơn khởi kiện. Tham khảo Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp dân sự tại đây: Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp dân sự
- Bước 2: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện;
- Bước 3: xác định Tòa án nộp hồ sơ khởi kiện;
- Bước 4: nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án.
Hồ sơ khởi kiện có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi thông qua đường bưu điện. Khi nộp hồ sơ khởi kiện, người khởi kiện cần giữ lại biên bản về việc giao nhận hồ sơ tài liệu tại Tòa án để làm căn cứ chứng minh việc nộp hồ sơ của mình.
Thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án là thủ tục đầu tiên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng sau này. Nếu không thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án thì những bước tiếp theo của quá trình tố tụng sẽ không có. Đồng thời, quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng không được pháp luật bảo vệ thông qua phương thức này!