Khi giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, một số đương sự ngại hòa giải và không tham gia thủ tục này. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp luật quy định không cần phải hòa giải thì đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện sau khi thụ lý vụ án. Cùng tìm hiểu về thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự qua bài viết sau đây để nắm được những thông tin cần thiết khi tham gia vào quá trình tố tụng!
1. Hòa giải là gì?
1.1. Khái niệm hòa giải vụ án dân sự
Sau khi thụ lý vụ án, các đương sự được Tòa án tiến hành giải thích các quy định pháp luật và tạo điều kiện, tác động các đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề của vụ án. Hoạt động này được gọi là hòa giải vụ án dân sự.
Nội dung của hòa giải vụ án dân sự là các vấn đề cần giải quyết trong vụ án, ví dụ như: phân chia giá trị tài sản tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của các bên, án phí, mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại, chia di sản thừa kế v.v… Nội dung hòa giải tùy thuộc vào mỗi vụ án dân sự khác nhau.
1.2. Nguyên tắc hòa giải vụ án dân sự
Hòa giải vụ án dân sự được Tòa án tiến hành theo đúng trình tự thủ tục nhất định và phải tuân theo các nguyên tắc như:
- Tôn trọng sự tự nguyện và kết quả thỏa thuận của các đương sự, không tác động một cách gò bó hay gượng ép bên nào và không dùng bất cứ biện pháp gì bắt buộc các đương sự thỏa thuận trái với ý chí của họ.
- Nội dung sự thỏa thuận của các đương sự phải phù hợp với đạo đức xã hội, không trái với quy định pháp luật.

Hòa giải trong tố tụng dân sự là thủ tục bắt buộc
2. Phạm vi hòa giải vụ án dân sự
Trên thực tế, không phải bất cứ vụ án nào Tòa án cũng có thể tiến hành hòa giải. Phạm vi hòa giải vụ án dân sự được pháp luật quy định, cụ thể, theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án không hòa giải đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản nhà nước và những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật v.v…
Xét về bản chất, những yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản của Nhà nước thì Tòa án không tiến hành hòa giải được thì tài sản thuộc sở hữu của toàn dân. Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường tài sản bị hao hụt cho toàn dân và không có quyền điều chỉnh, thương lượng.
Đối với những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật thì Tòa án không tiến hành hòa giải được vì thực tế các giao dịch ấy đã vô hiệu từ ban đầu. Các bên không thể thỏa thuận về hành vi trái pháp luật của mình.
Ngoài ra, một số vụ án không tiến hành hòa giải được thì Tòa án quyết định đưa ra xét xử luôn, bỏ qua bước hòa giải. Những vụ án này được quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tòa án có thể tiến hành hòa giải hầu hết các vụ án dân sự
3. Ý nghĩa của việc hòa giải trong tố tụng dân sự
Hòa giải vụ án là thủ tục quan trọng trong tố tụng dân sự, tác động đến tâm lý của các bên đương sự và tạo điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án một cách dễ dàng hơn.
Trường hợp hòa giải không thành thì cũng giúp Tòa án hiểu rõ hơn về nội dung của vụ án, nắm được ý chí, nguyện vọng của các bên đương sự để có thể giải quyết vụ án một cách công tâm và thuận tiện hơn. Trường hợp vụ án dân sự được hòa giải thành thì sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Cụ thể:
- Hòa giải thành vụ án dân sự thì không phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án có thể rút ngắn thủ tục tố tụng, tiết kiệm công sức, chi phí của cả đương sự cũng như Tòa án.
- Hòa giải thành vụ án dân sự giúp nâng cao kiến thức pháp luật của các bên đương sự. Giúp đương sự rút kinh nghiệm xử lý các vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách đúng theo quy định của pháp luật.
- Hòa giải thành vụ án dân sự có nghĩa rằng các bên đã thỏa thuận được các vấn đề yêu cầu Tòa án phân xử, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng sự đoàn kết giữa các công dân trong xã hội.

Hòa giải trong tố tụng dân sự mang lại nhiều ý nghĩa
4. Thành phần và trình tự thủ tục tiến hành phiên hòa giải vụ án dân sự
- Thành phần phiên hòa giải vụ án dân sự được quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, trong phiên hòa giải sẽ bao gồm:
+ Thẩm phán chủ trì phiên họp hòa giải;
+ Thư ký Tòa án ghi biên bản hòa giải;
+ Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự.
Trường hợp một trong các bên đương sự cố tình vắng mặt hoặc vắng mặt nhưng có lý do chính đáng thì đều được coi là hòa giải không thành theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trình tự, thủ tục tiến hòa phiên hòa giải vụ án dân sự:
+ Các bên đương sự được thông báo về thời gian, địa điểm, và nội dung các vấn đề của phiên hòa giải;
+ Thẩm phán sẽ kiểm tra lại sự có mặt của các đương sự trước khi tiến hành phiên hòa giải;
+ Khi có đầy đủ điều kiện để tiến hành hòa giải, Thẩm phán sẽ tiến hành công bố các nội dung vụ án đang tranh chấp, phổ biến quy định của pháp luật, phân tích hậu quả của việc hòa giải thành hoặc không thành;
+ Sau đó, các bên đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đưa ra quan điểm và định hướng giải quyết của mình. Thẩm phán sẽ xác định những vấn đề các bên thỏa thuận được và chưa thỏa thuận được.
+ Trường hợp các bên đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này chưa có giá trị pháp lý mà chỉ là cơ sở để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Hòa giải trong tố tụng dân sự được coi là một thủ tục nhằm xoa dịu sự căng thẳng của các bên đương sự cũng như đưa ra được những định hướng tốt nhất để giải quyết vụ án. Bài viết trên đây đã khái quát một số nội dung quan trọng về thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành để bạn đọc có thể tham khảo!