Với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa, những quan hệ dân sự giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam với các cá nhân, tổ chức nước ngoài ngày càng phổ biến. Theo đó, để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài này, các bên trong quan hệ có quyền được thỏa thuận lựa chọn luật để giải quyết. Lúc này, các bên cần lưu ý gì về thỏa thuận chọn luật khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam?
1. Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?
Khi xác lập, tham gia các quan hệ dân sự, các bên cần phải xác định rằng quan hệ dân sự này có yếu tố nước ngoài hay không. Bởi lẽ, nếu là quan hệ dân sự không có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật đương nhiên là pháp luật Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp cũng là các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các bên có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài cũng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xử lý.

Với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài
Tranh chấp có yếu tố nước ngoài là những tranh chấp có một trong ba điều kiện sau:
- Một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài (gồm các chủ thể có quốc tịch nước ngoài hoặc chủ thể không có quốc tịch );
Ví dụ: Tranh chấp giữa Công ty A (quốc tịch Anh) và Công ty B (quốc tịch Việt) về hợp đồng mua bán thiết bị tại Việt Nam là tranh chấp có yếu tố nước ngoài vì A là pháp nhân nước ngoài;
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
Ví dụ: Tranh chấp giữa A (Việt Nam) và B (Việt Nam) về bồi thường thiệt hại xảy ra ở Thái Lan là tranh chấp có yếu tố nước ngoài vì sự việc dẫn đến bồi thường thiệt hại xảy ra tại nước ngoài;
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Ví dụ: Tranh chấp giữa A (Việt Nam) và B (Việt Nam) về thừa kế tài sản là một khoản tiền tại ngân hàng C (tại Anh) là tranh chấp có yếu tố nước ngoài vì đối tượng (di sản thừa kế) ở nước ngoài.
2. Thỏa thuận chọn luật là gì?
Khi tranh chấp có yếu tố nước ngoài xảy ra, dẫn đến trường hợp hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau có thể cùng được áp dụng. Lúc này, câu chuyện đặt ra là cần phải áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp.
Chính vì lý do đó, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia (cụ thể là Việt Nam) cho phép các bên trong tranh chấp chủ động cùng nhau thỏa thuận lựa chọn pháp luật.

Các bên trong tranh chấp chủ động cùng nhau thỏa thuận lựa chọn pháp luật
Nói cách khác, thỏa thuận chọn luật là thỏa thuận của các bên trong tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự đó.
3. Lưu ý gì khi thỏa thuận chọn luật?
Khi các bên trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài thỏa thuận chọn luật và giải quyết tại Tòa án Việt Nam, Tòa án Việt Nam sẽ xem xét thỏa thuận chọn luật của các bên có thỏa mãn các điều kiện do pháp luật Việt Nam quy định hay không, cụ thể như sau:
- Một là, việc thỏa thuận chọn luật phải được cho phép bởi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc bởi pháp luật Việt Nam . Hiện nay pháp luật Việt Nam cho phép các bên được thỏa thuận lựa chọn luật trong các lĩnh vực sau:
+ Xác định quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển;
+ Hợp đồng trừ các trường hợp: (i) hợp đồng có đối tượng là bất động sản; (ii) việc chọn luật trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo pháp luật Việt Nam; (iii) việc thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng mà người thứ ba không đồng ý.
+ Thực hiện công việc không có ủy quyền;
+ Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thỏa thuận chọn luật phải được cho phép bởi điều ước quốc tế
- Hai là, pháp luật các bên thỏa thuận phải là quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp mà không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng . Đơn giản hơn, pháp luật được lựa chọn chỉ bao gồm các quy định thực chất về việc giải quyết tranh chấp, mà không dẫn chiếu đến pháp luật nước khác. Quy định này nhằm hướng các bên lựa chọn luật với mục đích giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tối ưu nhất, không vì mục đích lẩn tránh pháp luật.
- Ba là, hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam . Điều này nhằm đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam khi được thi hành vẫn thống nhất với những nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam hướng tới. Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có thể hiểu là các nguyên tắc ghi nhận ở Hiến pháp và các văn bản luật như: Không vi phạm điều cấm của Luật; ảnh hưởng tới quyền lợi an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng,...
- Bốn là, thỏa thuận chọn luật phải được xác lập dựa trên ý chí tự nguyện của các bên.
Ví dụ: Nếu thỏa thuận chọn luật có dấu hiệu của sự cưỡng ép, không phải là các bên đồng lòng tự nguyện thỏa thuận thì thỏa thuận sẽ không có hiệu lực.
Với xu hướng toàn cầu hóa thế giới, việc giao kết các quan hệ dân sự với người nước ngoài hoặc thiết lập quan hệ dân sự ở nước ngoài ngày càng phổ biến. Theo đó, các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài có số lượng tăng lên, đặt ra vấn đề cần phải lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Pháp luật một số quốc gia (bao gồm Việt Nam) cho phép các bên thỏa thuận chọn luật, tuy nhiên các bên trong tranh chấp cần có một số lưu ý để việc thỏa thuận chọn luật được pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam thừa nhận hiệu lực.