Thực tế có rất nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại, mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuy vậy, trọng tài thương mại là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cùng tìm hiểu rõ hơn về trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp qua bài viết này nhé!
1. Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Các tranh chấp trên phải thuộc một trong ba trường hợp sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Tranh chấp sẽ được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Trong đó, thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài đối với các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Sự thỏa thuận này có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các bên để việc bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình trong hoạt động thương mại.

Trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp
Thêm vào đó, thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Hay nói cách khác, khi hợp đồng thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hay bị vô hiệu hoặc không thực hiện được thì không làm mất đi hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Hay nói cách khác, thủ tục tố tụng của trọng tài thương mại đơn giản hơn thủ tục tố tụng tại tòa án. Do đó, các bên có thể linh hoạt, chủ động và tiết kiệm được thời gian tham gia từng bước, từng cấp xét xử.
2. Các lý do để các doanh nghiệp nên lựa chọn trọng tài thương mại
Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có ưu và nhược điểm riêng. 4 lý do dưới đây sẽ lý giải tại sao trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp lại được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
2.1 Chủ động về địa điểm giải quyết tranh chấp
Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quy chế này cho phép các bên chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức của mình để đáp ứng các yêu cầu thiết yếu của Hội đồng trọng tài.
2.2 Linh hoạt về phí trọng tài
Phí trọng tài bao gồm:
- Thù lao trọng tài viên, chi phí đi lại và các dịch vụ khác cho trọng tài viên;
- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
- Phí hành chính;
- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc;
- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.

Phí trọng tài thương mại do ai ấn định?
Khác với chi phí được quy định cụ thể theo pháp luật khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án các cấp, phí trọng tài sẽ được quyết định bởi Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài (đối với trọng tài vụ việc). Quy định này dựa theo sự khách quan trong việc được quyền lựa chọn trọng tài viên. Theo đó, ngoài các chi phí được ấn định, các bên có thể linh hoạt trong phần thù lao của trọng tài viên hay phí tham vấn chuyên gia.
2.3 Hậu quả pháp lý
Phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Hay nói cách khác, nó có hiệu lực pháp lý kể từ ngày ban hành và có tính chất bắt buộc các bên phải thực hiện, trừ trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định trọng tài. Theo đó, phán quyết trọng tài sẽ không thể kháng cáo, kháng nghị, hay tiếp tục kiện ra tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các bên, tránh tình trạng bên phải thi hành phán quyết không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ, pháp luật quy định về quyền yêu cầu phán quyết trọng tài, cụ thể như sau:
- Sau khi hết thời hạn thi hành phán quyết mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
- Đối với trọng tài vụ việc, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày ban hành phán quyết, bên được thi hành có quyền đăng ký phán quyết trọng tài đó tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trên, sau đó làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành nó.
Có thể thấy rằng, trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp đề cao tinh thần tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài, nhưng vẫn có biện pháp để đảm bảo lợi ích của bên được thi hành phán quyết. Điều này là đặc điểm khác biệt so với quyết định mang tính cưỡng chế của tòa án.
2.4 Tính mềm dẻo của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp
Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Trọng tài thương mại tôn trọng sự thỏa thuận của các bên
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội. Hay nói cách khác, phương thức giải quyết tranh chấp này có tính mềm dẻo, vừa có lý vừa có tình. Mặc dù là giải quyết tranh chấp, nhưng vẫn khuyến khích sự tự nguyện, giữ được hòa khí của các bên.
Tóm lại, nhờ vào các ưu điểm như chủ động về địa điểm, chi phí giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại tôn trọng sự thỏa thuận và khuyến khích sự tự nguyện của các bên. Thêm vào đó là tính mềm dẻo trong quá trình thực hiện, trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp là phương thức được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn.