Tố cáo và tố giác là những cụm từ thường được người dân sử dụng khi muốn lên tiếng thông tin tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là công an) về một hành vi vi phạm pháp luật mà mình biết được. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể hiểu rõ và phân biệt sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này. Cùng Toplaw hiểu rõ hơn về tố cáo và tố giác, cũng như sự khác biệt giữa hai khái niệm này nhé!
1. Tố cáo là gì?
Tố cáo là việc cá nhân thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm phạm luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân khác.

Tố cáo tội phạm?
Tố cáo là thủ tục tiền tố tụng được pháp luật quy định rõ từ khái niệm đến nguyên tắc, thẩm quyền xử lý cũng như những yêu cầu với đơn tố cáo tại Luật Tố cáo 2018. Theo đó, tố cáo có thể chia làm hai loại cơ bản, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm phạm luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Có thể hiểu, tố cáo nhằm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc một cá nhân (cán bộ, công chức, người nào khác,...), tổ chức,... có những vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc quản lý nhà nước. Thông thường là những sai phạm trong phạm vi công việc họ được giao và vi phạm do vượt quá thẩm quyền (không được giao).
2. Tố giác là gì?
Pháp luật hình sự của nước ta có những quy định về hoạt động tố giác tội phạm (tố giác). Đây là việc một cá nhân cung cấp cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu tội phạm mà bản thân phát hiện được. Thông qua văn bản hoặc lời nói, cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng sẽ trình bày sự việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố giác của mình.
Tố giác vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân nhằm trình báo về một hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đó có thể là công an, tòa án, viện kiểm sát, ủy ban nhân dân,... Vấn đề đặt ra là người tố giác cần trình bày sự việc một cách trung thực sự việc được trình bày. Đồng thời, người tố giác có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, thậm chí là trách nhiệm hình sự khi phát hiện có hành vi vu khống trong quá trình tố giác tội phạm.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố giác của mình
Tuy vậy, tố giác tội phạm là một nghĩa cử cao đẹp nhằm giúp đỡ cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời, hành động tố giác tội phạm còn được phạm luật quy định cụ thể về các phương thức bảo vệ người tố giác như giữ bí mật, bảo vệ sức khỏe, danh dự, tài sản,... của người tố giác và người thân của họ. Việc này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng đồng thời khuyến khích công dân dám lên tiếng trước những hành vi có dấu hiệu vi phạm phạm luật.
3. Điểm giống và khác nhau giữa tố cáo và tố giác?
Không phải tự nhiên mà nhiều người dân còn có sự nhầm lẫn về tố cáo và tố giác. Tuy vậy, việc hiểu rõ và phân biệt hai khái niệm này giúp ích rất lớn trong việc thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ công dân theo quy định pháp luật hiện hành.
3.1. Điểm giống nhau
Ở một khía cạnh nào đó, tố giác và tố cáo đều là việc một cá nhân thông báo đến cá nhân, tổ chức có thẩm quyền về sự việc nhất định. Nội dung tố cáo/ tố giác nhằm thông tin đến cơ quan nhà nước về một hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm phạm luật. Ngoài ra, chủ thể tố cáo/ tố giác đều là những cá nhân có danh tính và địa chỉ xác định. Đồng thời, người thực hiện hoạt động tố cáo/ tố giác đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà bản thân tố giác hoặc tố giác. Theo đó, người tố cáo/ tố giác có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống (sai sự thật).

Chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo/ tố giác
3.2. Điểm khác nhau
Tố cáo và tố giác nhìn từ khái niệm đến bản chất có nhiều điểm khác nhau phân biệt như:
- Thứ nhất, tố cáo là quyền của công dân theo quy định tại Luật tố cáo 2018, tuy nhiên tố giác tội phạm theo Bộ luật hình sự vừa là quyền vừa là nghĩa vụ công dân.
- Thứ hai, tố cáo là quyền, quan hệ tố cáo phát sinh sau khi người tố cáo nộp đơn hoặc thông tin đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy vậy, tố giác thì vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, quan hệ tố giác phát sinh ngay sau khi người đó biết được sự việc “có dấu hiệu phạm tội”, do đó, việc không tố giác cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
- Thứ ba, đối tượng hay nội dung tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật nhưng không bị giới hạn về tính chất và mức độ vi phạm, trong khi đó, tố giác tội phạm được yêu cầu với các hành vi có dấu hiệu tội phạm được quy định theo Bộ luật hình sự.
Tố cáo hay tố giác đều là những nghĩa cử cao đẹp của công dân nhằm giúp đỡ cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh. Tuy vậy, để đảm bảo sự công bằng và trật tự xã hội, người tố cáo/ tố giác cần trung thực và chịu trách nhiệm với chính nội dung đơn tố cáo/ tố giác của mình. Ngoài ra, đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội, tố giác tội phạm còn là nghĩa vụ mà mỗi công dân cần thực hiện nhằm lên tiếng bảo vệ công lý và pháp luật.