Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các tranh chấp về thương mại ngày càng diễn ra phổ biến. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài đang là một trong những phương án được nhiều người lựa chọn. Vậy thủ tục khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài sẽ có trình tự như thế nào? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề này!
1. Điều kiện khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài
Thứ nhất, tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm thương mại phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
- Tranh chấp đó phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp có ít nhất một trong các bên hoạt động thương mại;
- Tranh chấp khác mà luật quy định có thể giải quyết tại Trung tâm trọng tài.
Thứ hai, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định tại Khoản 1 Điều 5: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.”
Theo đó, điều kiện tiên quyết để khởi kiện tranh chấp thương mại ra Trung tâm trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng Trọng tài thương mại. Thỏa thuận trọng tài bắt buộc phải lập thành văn bản trong điều khoản hợp đồng thương mại hoặc thỏa thuận riêng, và được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Thứ ba, kiểm tra thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại: Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại được quy định theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Có nhiều Trung tâm trọng tài để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp
Do đó, trước khi tiến hành thủ tục khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài, các bên cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện. Trường hợp thời điểm các quyền và lợi ích của các bên bị xâm phạm đã quá 2 năm thì các bên không còn quyền khởi kiện yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết.
2. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài
So với những hồ sơ giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì hồ sơ giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài khá đơn giản. Các loại giấy tờ trong hồ sơ khởi kiện tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, bao gồm:
+ Đơn khởi kiện;
+ Thỏa thuận trọng tài.
Trong đó, đơn khởi kiện bắt buộc phải thể hiện được những nội dung như:
+ Ngày, tháng, năm, địa điểm làm đơn khởi kiện;
+ Tên, địa chỉ của các bên tranh chấp;
+ Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
+ Cơ sở và chứng cứ khởi kiện (nếu có);
+ Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
+ Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp thương mại thông thường được các Trung tâm trọng tài quy định. Để hồ sơ khởi kiện được hợp lệ, cá nhân, doanh nghiệp nên tham khảo trực tiếp mẫu đơn tại Trung tâm trọng tài sẽ yêu cầu để giải quyết.

Án phí là khoản phí bắt buộc khi đương sự giải quyết tranh chấp tại Tòa án
3. Các bước khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài
Trình tự khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài được thực hiện qua các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện;
- Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện;
- Bước 3: Chờ đợi trong quá trình Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài;
- Bước 4: Tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp;
- Bước 5: Thi hành phán quyết của Hội đồng trọng tài.
Việc thi hành phán quyết của Trọng tài được khuyến khích các bên thực hiện theo ý chí tự nguyện. Tuy nhiên, trong trường hợp hết thời hạn thi hành pháp mà một trong các bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
4. Chi phí khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài
Chi phí để khởi kiện tranh chấp thương mại được Trung tâm trọng tài ấn định. Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì bên thua kiện phải chịu phí trọng tài.

Chi phí khởi kiện tranh chấp thương mại tại mỗi Trung tâm trọng tài không giống nhau
Tại Việt Nam, phí trọng tài thường được các Trung tâm trọng tài công bố theo giá trị vụ tranh chấp. Ví dụ trị giá vụ tranh chấp là 100.000.000 đồng trở xuống thì phí trọng tài là 16.500.000 đồng, từ 100.000.001 đồng đến 1 tỷ thì phí trọng tài là 16.500.000 đồng + 7,7% số tiền vượt quá 100.000.000 đồng. Chi phí này phụ thuộc vào quy định về mức thu của Trung tâm trọng tài nơi các bên khởi kiện tranh chấp thương mại.
Ngoài ra, khi khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài, các bên còn phải chi trả những chi phí khác như phí thẩm định giá tài sản (nếu có), chi phí đi lại, phí soạn thảo hồ sơ v.v… Để có thể dự liệu được các chi phí cần thanh toán khi giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, các bên nên tham khảo về giá cả tại Trung tâm trọng tài đấy trước khi khởi kiện.
Hiện nay, việc khởi kiện tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài không còn quá xa lạ với cá nhân, thương nhân hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện công việc này. Vì vậy, các bên nên tìm hiểu trước trình tự để không gặp khó khăn trong khi khởi kiện.