Giải quyết tranh chấp là điều khoản xuất hiện trong hầu hết các hợp đồng kinh tế nhằm quy định hướng giải quyết cho các bên khi phát sinh tranh chấp. Từ điều khoản này, các bên trong hợp đồng sẽ giải quyết tranh chấp bằng các phương pháp như Trọng tài thương mại hay khởi kiện ra Tòa án,... Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cụ thể hơn về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế!
1. Hợp đồng kinh tế là gì?
Hợp đồng kinh tế là một trong những loại hợp đồng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, được ký kết bởi các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dựa trên sự thỏa thuận và ý chí tự nguyện. Tùy thuộc vào các bên ký kết mà hợp đồng kinh tế được thể hiện dưới các hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc các hình thức khác…
Nội dung của hợp đồng kinh tế thể hiện sự ràng buộc các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên về việc thực hiện các công việc như: sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh và giá cả, phương thức thanh toán đối với các công việc đó.
2. Điều khoản giải quyết tranh chấp là gì?
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế là điều khoản quy định về phương pháp giải quyết khi các bên có phát sinh các tranh chấp. Đây là điều khoản bắt buộc đóng vai trò rất quan trọng và thường nằm ở vị trí gần cuối trong nội dung hợp đồng.

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế
Trong đó, điều khoản này bao gồm nhiều phương thức giải quyết tranh chấp như:
- Sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên;
- Khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
- Yêu cầu Trọng tài thương mại...
Tuy nhiên, phương thức giải quyết bằng Trọng tài thương mại còn chưa được phổ biến hoặc bị phớt lờ trong các hợp đồng kinh tế vừa và nhỏ. Điều này dẫn đến những bất lợi phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp sau này.
3. Doanh nghiệp cần lưu ý gì về điều khoản “giải quyết tranh chấp” trong hợp đồng kinh tế?
Trên thực tiễn, khi ký kết các hợp đồng kinh tế, các bên thường chú trọng vào nội dung công việc, giá cả, thời gian giải quyết công việc và các phương thức thanh toán mà không để ý nhiều đến điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Xuất phát từ lý do không lường trước được hậu quả là sẽ có phát sinh tranh chấp mà khi thỏa thuận, giao dịch các bên đã xem nhẹ điều khoản này.
Bởi vậy, một khi xảy ra tranh chấp các bên mới xem lại điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên đến lúc này có thể các điều khoản lúc ký kết không được thể hiện rõ ràng dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn cho cả đôi bên.

Những điều cần lưu ý trong điều khoản giải quyết tranh chấp
Do đó, để dự trù và khắc phục được những vấn đề nêu trên, khi ký kết hợp đồng kinh tế các bên cần chú tâm xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp và lưu ý những điều sau:
- Thứ nhất, cần nêu rõ nếu có tranh chấp thì sẽ lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp nào.
- Thứ hai, thỏa thuận về thứ tự ưu tiên của các phương án giải quyết tranh chấp. Ví dụ: Ưu tiên giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.
- Thứ ba, nếu lựa chọn phương thức giải quyết là Trọng tài thương mại thì nên xác định rõ tổ chức trọng tài nào, địa điểm, phân định chi phí, cam kết của các bên…
4. Doanh nghiệp có thể thỏa thuận lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?
Xuất phát từ các trường hợp trên thực tiễn, việc các bên trong hợp đồng thỏa thuận lựa chọn một trong hai phương thức là yêu cầu Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện ra Tòa án là điều xảy ra khá thường xuyên.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các bên trong hợp đồng vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án trong điều khoản nêu trên thì có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Và nếu xảy ra tranh chấp, một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại giải quyết thì thẩm quyền thuộc về cơ quan nào?

TTTM là phương án thuận lợi trong điều khoản giải quyết tranh chấp
Những thắc mắc này đã được các nhà làm luật quy định để có thể áp dụng trên thực tiễn một cách hợp lý nhất. Cụ thể:
- Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế do các bên thỏa thuận. Việc đưa cả hai con đường giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại và Tòa án vào điều khoản giải quyết tranh chấp là không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
- Trong trường hợp một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại thì pháp luật có quy định theo hướng ưu tiên Trọng tài thương mại. Cụ thể, trường hợp một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
>> Nếu tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước đó thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện;
>> Nếu tranh chấp chưa có yêu cầu Trọng tài giải quyết thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

TTTM là con đường giải quyết tranh chấp phổ biến
Theo đó, pháp luật đã gián tiếp thừa nhận quyền năng của Trọng tài thương mại trong trường hợp một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.
Qua bài viết trên, có thể thấy điều khoản giải quyết tranh chấp có vai trò hết sức quan trọng trong hợp đồng kinh tế. Do đó, các bên ký kết cần để tâm hơn đến điều khoản này khi ký kết các hợp đồng trong quá trình kinh doanh.