Chứng cứ trong tố tụng dân sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét, giải quyết vụ việc. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chứng cứ trong tố tụng dân sự? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về chứng cứ trong tố tụng dân sự tại Việt Nam!
1. Chứng cứ là gì?
Để có thể nắm được những nội dung cơ bản của chứng cứ trong tố tụng dân sự, trước hết bạn cần hiểu được khái niệm chứng cứ và chứng cứ có những đặc điểm gì.
1.1. Khái niệm chứng cứ
Mỗi một vụ việc dân sự xảy ra trên thực tế hầu hết đều có các tình tiết, sự kiện liên hệ trực tiếp với vụ việc đó. Các tình tiết ấy có thể được ghi lại bằng nhiều cách khác nhau, qua đó đương sự hay những người có liên quan sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình tham gia tố tụng. Những tin tức, dấu vết, tình tiết hay sự kiện đó được gọi là chứng cứ.
Khái niệm chứng cứ được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, chứng cứ trong tố tụng dân sự được hiểu là những gì có thật, được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất trình hoặc do Tòa án thu thập và được Tòa án sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Khái niệm chứng cứ trong tố tụng dân sự
1.2. Đặc điểm của chứng cứ
Mặc dù chứng cứ được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên nhìn chung chứng cứ trong tố tụng dân sự đều mang những đặc điểm nhất định. Cụ thể:
- Thứ nhất, chứng cứ có tính khách quan: Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ phải có thật trên thực tế và tồn tại ngoài ý muốn của những người tham gia tố tụng. Chứng cứ chỉ được thu thập, tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá. Hay nói cách khác là cá nhân, tổ chức, đương sự hay Tòa án không thể tự tạo ra chứng cứ đó theo ý muốn của mình.
- Thứ hai, chứng cứ có tính liên quan: Chứng cứ trong tố tụng dân sự phải có mối liên hệ mật thiết với vụ việc dân sự đang được đương sự yêu cầu giải quyết tại Tòa án.
- Thứ ba, chứng cứ có tính hợp pháp: Điều này được hiểu là chứng cứ phải là những gì được pháp luật cho phép và việc sử dụng phải được thực hiện đúng trình tự mà pháp luật quy định.
2. Phân loại và nguồn chứng cứ
Trên thực tế, chứng cứ thường được gọi dưới nhiều tên khác nhau và mỗi loại chứng cứ có những giá trị nhất định. Chứng cứ trong tố tụng dân sự được Tòa án phân loại để phù hợp với quá trình giải quyết như: chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ thuật lại bằng hình thức viết hay lời nói v.v…

Phân loại chứng cứ trong tố tụng dân sự
Khái niệm nguồn chứng cứ là một khái niệm khá xa lạ đối với cá nhân, tổ chức và dễ gây hiểu nhầm. Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi bắt đầu, phát sinh hoặc nơi có thể cung cấp, rút ra chứng cứ. Nguồn chứng cứ bao gồm người, vật hay tài liệu cung cấp các thông tin cho vụ việc trong quá trình tố tụng dân sự. Nguồn chứng cứ bao gồm:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
- Vật chứng;
- Lời khai của đương sự;
- Lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
- Văn bản công chứng, chứng thực;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
3. Cách thu thập chứng cứ
Chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể được thu thập bởi chính các đương sự, những người liên quan đến vụ việc hoặc có thể được thu thập bởi Tòa án. Trong trường hợp đương sự cần phải chứng minh quyền, nghĩa vụ của mình thì đương sự tự mình thu thập các chứng cứ. Khi không có khả năng thu thập thì có thể yêu cầu Tòa án thu thập để làm căn cứ đánh giá, giải quyết vụ việc.
Đương sự có thể thực hiện việc thu thập chứng cứ bằng các phương pháp khác nhau như: thu thập các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thu thập các vật chứng hoặc người làm chứng, yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc những người liên quan cho sao chép hoặc cung cấp tài liệu v.v…

Cách thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự
Khi thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự, các đương sự cần phải chú ý về tính hợp pháp của chứng cứ đó. Ví dụ:
- Đối với chứng cứ là tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử thì cần phải có văn bản văn bản thể hiện chứng minh nguồn chứng cứ và quá trình thu thập chứng cứ đó ra sao;
- Đối với chứng cứ là vật chứng thì phải là những vật liên quan trực tiếp và có thể đưa ra trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự đó.
4. Giao nộp tài liệu chứng cứ như thế nào?
Sau khi chứng cứ được xác định và thu thập, đương sự tiến hành giao nộp lại chứng cứ cho Tòa án, tuy nhiên việc giao nộp này phải đảm bảo được thời gian tố tụng mà pháp luật quy định. Thông thường Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc sẽ ấn định thời hạn giao nộp chứng cứ và thời hạn đó không được vượt quá thời hạn mà pháp luật quy định.
Đương sự có thể giao nộp chứng cứ trong tố tụng dân sự cho Tòa án bằng các con đường khác nhau như: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc ủy quyền cho người khác nộp thay mình. Việc giao nộp phải được lập thành văn bản thể hiện tên gọi, nội dung, hình thức của chứng cứ và có sự xác nhận của người giao nộp, người nhận tại Tòa án có thẩm quyền.
Chứng cứ trong tố tụng dân sự là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định được đương sự có được bảo vệ tốt quyền và lợi ích của mình hay không. Do đó, một khi tham gia vào quá trình tố tụng, đương sự và những người có liên quan cần nắm chắc được những thông tin về chứng cứ để vụ việc được giải quyết một cách công tâm nhất.