Khi nhắc đến tố cáo, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tố cáo tội phạm hình sự. Tuy nhiên theo pháp luật Việt Nam thì phạm vi tố cáo rộng hơn thế, hầu như là ở mọi lĩnh vực. Ngoài ra, còn nhiều điều nữa về tố cáo mà không phải ai cũng biết. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ ra những vấn đề cần lưu ý khi muốn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người khác.
1. Khi nào thì có thể tố cáo người khác
Tố cáo nói một cách đơn giản là báo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức khác. Việc tố cáo không hề bị giới hạn bởi bất kỳ lĩnh vực nào, từ những tội hình sự cho đến những hành vi vi phạm lợi ích của một tổ chức, cá nhân nào đó, thì đều có thể tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền.

Cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
Hiện nay, tố cáo có thể được chia ra làm 2 trường hợp, đồng thời việc phân loại này sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết tố cáo:
- Tố cáo hành vi vi phạm khi đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Ví dụ: Chủ tịch UBND phường X thêm tên người thân vào danh sách người được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù người thân không thuộc diện được hỗ trợ.
- Tố cáo hành vi vi phạm khác không thuộc trường hợp trên.
Ví dụ: Tố cáo hàng xóm xây nhà xâm chiếm đất mình, tố cáo hành vi ăn trộm,...
2. Lưu ý khi làm đơn tố cáo
Khi thực hiện việc tố cáo, để có thể đảm bảo mình thực hiện đúng thủ tục, tránh trường hợp bị trả lại đơn, cũng như có thể đảm bảo được quyền và lợi ích của bản thân, người tố cáo cần phải nắm rõ những lưu ý sau:
2.1 Lưu ý về nội dung đơn tố cáo
Khi nộp đơn tố cáo, nội dung đơn tố cáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thụ lý đơn tố cáo. Trước hết, nội dung đơn tố cáo phải được viết bằng tiếng Việt, và bên cạnh đó đơn tố phải có những nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm tố cáo;
- Họ tên người tố cáo
- Địa chỉ của người tố cáo,
- Cách thức liên hệ với người tố cáo;
- Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;
- Thông tin về người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan (họ tên, nơi làm việc,...)
2.2 Lưu ý về thẩm quyền giải quyết:
Như đã nhắc đến trước đó, tương ứng với hai trường hợp tố cáo sẽ có sự phân biệt với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể:
Trước hết là đối với đơn tố cáo cá nhân có thẩm quyền, thông thường sẽ do người đứng đầu cơ quan mà cá nhân đó đang làm việc giải quyết. Riêng đối với những đơn tố cáo cá nhân đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì sẽ do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết.

Chú ý về thẩm quyền thụ lý đơn tố cáo
Đối với đơn tố cáo những hành vi vi phạm không phải trong lúc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, thì nội dung tố cáo liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Ví dụ: A bị B lừa đảo mất 50 triệu, sau khi phát hiện mình bị lừa A tố cáo việc B đã làm lên công an phường.
2.3 Lưu ý về quyền và nghĩa vụ
Bên cạnh thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ chính là những yếu tố tiếp theo mà người tố cáo cần phải nắm rõ để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình cũng như đảm bảo được quá trình tố cáo được diễn ra thuận lợi. Sau đây là những quyền mà mỗi người khi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cần phải biết và nắm rõ:
- Được yêu cầu những người có liên quan giữ bí mật thông tin cá nhân như là họ tên, địa chỉ, bút tích,...;
- Được thông báo khi có quyết định liên quan tới đơn tố cáo từ cơ quan có thẩm quyền
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân;
Bên cạnh đó, để quá trình xử lý tố cáo được diễn ra thuận lợi, người tố cáo cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng những nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp thông tin cá nhân ( họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ);
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
2.4 Lưu ý khác
Bên cạnh 2 yếu tố trên cần phải, người tố cáo cũng cần phải lưu ý đến những điều sau:
- Người tố cáo phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đủ 18 tuổi, đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình), tuy nhiên trong trường hợp chưa đủ 18 tuổi thì nếu có người đại diện theo pháp luật thì vẫn có thể tố cáo;
- Người tố cáo có thể lựa chọn viết đơn và đem nộp đến cơ quan có thẩm quyền, hoặc đến thẳng cơ quan có thẩm quyền để tố cáo trực tiếp và sẽ được hướng dẫn viết đơn tại cơ quan.
- Người tố cáo vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cố ý tố cáo sai sự thật và gây ra thiệt hại cho người khác.

Chịu trách nhiệm với nội dung tố cáo của mình
- Khi tố cáo sai sự thật, người tố cáo có thể bị xử lý vì cố ý tố cáo sai sự thật bởi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của người xử lý tố cáo hoặc người bị tố cáo;
- Trường hợp nhiều người cùng tố cáo một hành vi, thì đơn tố cáo phải có đủ thông tin cá nhân của từng người tố cáo;
- Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Tuy nhiên tùy vào độ phức tạp của vụ việc nên thời hạn này có thể gia hạn từ 1 đến 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Nếu như quá thời hạn mà không ai giải quyết thì người tố cáo có thể tố cáo tiếp lên cơ quan cấp cao hơn trực tiếp.
*Trong trường hợp tố cáo cá nhân có thẩm quyền vi phạm trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thì vào thời điểm tố cáo, người bị tố cáo không nhất thiết phải còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Trên đây là những nội dung quan trọng về tố cáo mà mỗi người trong chúng ta nên nắm bắt. Từ đó, mỗi người có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm, hoặc là bảo vệ quyền, lợi ích cho cá nhân, tổ chức khác.