Để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, hay trường hợp cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc vay mượn tài sản là phương pháp cứu cánh của nhiều người. Hoạt động vay tài sản mà điển hình là vay tiền cũng là vấn đề nhạy cảm liên tục nhận những lời khuyên “cảnh tỉnh” của các chuyên gia. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định pháp luật để việc giao kết hợp đồng vay tài sản đúng pháp luật và tránh những tranh chấp không đáng có về sau.
1. Vấn đề chung
Đầu tiên, cá nhân, tổ chức có nhu cầu cần phải hiểu thế nào là hợp đồng vay tài sản, loại hợp đồng này có những đặc trưng gì cũng như hình thức giao kết được pháp luật cho phép ra sao để từ đó có cái nhìn tổng quát và áp dụng hợp đồng trên đúng cách.
1.1. Khái niệm về hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao cho bên vay tài sản (có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản). Khi hết hạn hợp đồng, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng đồng thời trả thêm một số lợi ích vật chất ( thường được biết đến như khoản tiền lãi) nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên
1.2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản
Dưới góc độ pháp luật, thỏa thuận cho vay tài sản cần được thể hiện dưới dạng Hợp đồng. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là căn cứ chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên cho vay sang bên vay từ thời điểm bên vay nhận được tài sản . Lúc này, bên vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng, mục đích sử dụng. Bởi khi đó, bên vay cần phải sử dụng tài sản đúng mục đích vay theo thỏa thuận của các bên.
Hợp đồng vay tài sản được phân loại khá linh hoạt tùy thỏa thuận các bên, điều đó thể hiện qua các đặc điểm sau:
- Đầu tiên, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ:
+ Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận (quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ thời điểm giao kết) thì đây là hợp đồng song vụ.
+ Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế (thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên vay chuyển giao tài sản cho bên vay, bên cho vay có quyền đòi nợ mà không có nghĩa vụ với bên vay nữa) thì nó là hợp đồng đơn vụ. Theo đó, hợp đồng ưng thuận hay thực tế được phân loại dựa trên thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng ưng thuận là hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh sau khi các bên đã thỏa thuận rõ nội dung hợp đồng (thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao kết).
Ví dụ: Ngày 20/9/2021, A thỏa thuận cùng B là bạn học là A sẽ cho B vay 100 triệu đồng để khởi nghiệp bán hàng online. Các bên hẹn ngày 01/10/2021 sẽ tiến hành chuyển tiền, lãi 5%/ năm, thời hạn 2 năm. Như vậy, hợp đồng này có hiệu lực từ thời điểm giao kết, phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, còn được gọi là hợp đồng ưng thuận - là hợp đồng vay tài sản song vụ.
Trong khi đó, hợp đồng thực tế được xem là có hiệu lực sau khi bên cho vay đã chuyển giao tài sản (ví dụ như giải ngân). Do đó, khi hợp đồng “bắt đầu” có hiệu lực thì bên cho vay đã thực hiện “nghĩa vụ” chuyển giao tài sản, chỉ còn nghĩa vụ một bên của bên đã nhận tài sản (bên vay) cần phải hoàn trả tài sản và tiền lãi.
Ví dụ: Ngày 20/9/2021, A đưa cho B số tiền 100 triệu và nói cho B vay để khởi nghiệp, sau đó các bên thỏa thuận B sẽ trả A sau 1 năm. Như vậy, hợp đồng vay này có hiệu lực ngay thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay. Khi đó, bên cho vay không còn nghĩa vụ nào mà chỉ còn bên vay có nghĩa vụ hoàn trả tài sản và tiền lãi (nếu có) - là hợp đồng vay tài sản đơn vụ.
- Tiếp theo, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
+ Trường hợp có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù.
+ Trường hợp không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
1.3. Hình thức hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản không có yêu cầu đặc biệt về hình thức hợp đồng vay tài sản, do đó việc giao kết hợp đồng có thể thể hiện qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể . Điều này giúp cho các bên liên quan có thể tự do lựa chọn các cách thức khác nhau để tạo lập hợp đồng mà không lo lắng việc hợp đồng bị vô hiệu do không đúng hình thức.
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
Quyền và nghĩa vụ luôn là nội dung cần được quan tâm khi thiết lập bất kỳ loại hợp đồng nào. Bởi lẽ, nó là cơ sở để các bên cân bằng lợi ích - yếu tố được xem là mục đích giao kết quan hệ dân sự. Với hợp đồng vay tài sản, pháp luật dân sự cũng có những quy định cụ thể làm “hành lang pháp lý” cho các bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng.
2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay
Nói về quyền của bên cho vay, ta có thể tổng quát chúng sẽ bao gồm 02 nội dung chính là quyền đòi lại tài sản và quyền đòi tiền lãi phát sinh nếu có thỏa thuận, cụ thể:
- Nếu hợp đồng vay không kỳ hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tài sản và lãi bất cứ thời gian nào nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lí.
- Nếu hợp đồng vay có kỳ hạn, khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình tiền, tài sản tương ứng với tiền, tài sản đã cho vay và lãi nếu có thỏa thuận.

Hết hạn hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình tiền
Tất nhiên, đi cùng quyền lợi thì bên cho vay cũng cần thực hiện một số nghĩa vụ để việc thực hiện hợp đồng diễn ra suôn sẻ, cụ thể:
- Giao tài sản cho bên vay đúng thỏa thuận.
- Bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu bên cho vay biết tài sản không đảm bảo chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có quy định khác.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên vay
Tương ứng với nghĩa vụ của bên cho vay, bên vay có quyền nhận tài sản theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, và có quyền sở hữu tài sản đó. Nhưng song song đó, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền hoặc vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng cũng như trả lãi (nếu có thỏa thuận) theo đúng thời hạn, địa điểm đã được thỏa thuận trong hợp đồng.
3. Các lưu ý cần biết khi giao kết hợp đồng vay tài sản
Dưới góc độ dân sự, hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng khá đơn giản, tuy nhiên vẫn có những lưu ý cần biết để tránh việc tranh chấp cũng như những nội dung các bên thỏa thuận trái pháp luật. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc sử dụng tài sản vay. Thông thường, hợp đồng vay tài sản sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên cho vay sang bên vay, tuy nhiên các bên vẫn có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Điều này đảm bảo bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

Hợp đồng vay tài sản chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên cho vay sang bên vay
Thứ hai, về lãi suất vay. Mặc dù lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Không chỉ vậy, việc áp đặt mức lãi suất quá cao có thể khiến bên cho vay rơi vào trường hợp cho vay nặng lãi, vi phạm quy định pháp luật và sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, nếu các bên có thỏa thuận về lãi nhưng không xác định rõ mức lãi suất thì khi có tranh chấp về lãi suất, lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ. Do đó, để tránh không đạt được đúng mức lãi suất mà mình hướng tới, bên cho vay cần lưu ý thỏa thuận rõ mức lãi suất tại thời điểm giao kết hợp đồng rõ ràng và hợp pháp.
Trước những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn về tài chính, do đó việc vay tài sản diễn ra khá phổ biến. Tuy vậy, các bên cần hiểu rõ các quy định pháp luật để việc giao kết và thực hiện hợp đồng vay tài sản diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và phù hợp nhất có thể.