Tặng quà hay cho người khác đồ vật là hoạt động phổ biến, diễn ra hằng ngày, tuy nhiên ít ai ngờ rằng hoạt động tưởng chừng như bình thường này lại là một loại hợp đồng, được pháp luật can thiệp. Như vậy, để có thể bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, cũng như tránh những tranh chấp về sau, bất cứ ai cũng nên biết những lưu ý khi tặng cho tài sản.
1. Như thế nào là hợp đồng tặng cho
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận mà một bên bên tặng cho bên còn lại tài sản của mình mà không yêu cầu đền bù, và bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản đó . Khác với phần lớn hợp đồng là các bên đều mang quyền và nghĩa vụ riêng, còn hợp đồng tặng cho về cơ bản chỉ có một bên mang nghĩa vụ là tặng cho, và bên còn lại sẽ có quyền nhận tài sản được tặng cho.

Sự thỏa thuận mà một bên bên tặng cho tài sản của mình bên còn lại
Nhiều người cho rằng việc tặng cho chỉ là một hành động thông thường, sẽ không chịu sự can thiệp của pháp luật. Tuy nhiên, vì bản chất giao dịch dân sự này có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản, nên đây là một loại hợp đồng cần có sự can thiệp của pháp luật.
2. Đối tượng tặng cho
Theo quy định hiện nay, bất kỳ tài sản nào (cụ thể là bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản) được lưu thông trên thị trường Việt Nam thì đều có thể là đối tượng tặng cho . Theo đó, tùy vào tài sản tặng cho là động sản hay bất động sản, mà hợp đồng tặng cho sẽ có hình thức khác nhau.
2.1 Tặng cho bất động sản
Bất động sản nói nôm na là những tài sản, quyền tài sản gắn liền với đất, hoặc gắn liền với bất động sản. Ví dụ: Nhà, quyền sử dụng đất,...
Đối với hợp đồng tặng cho bất động sản thì phải được lập thành văn bản trên giấy và có công chứng, chứng thực. Trong trường hợp bất động sản thuộc trường hợp phải đăng ký quyền sở hữu thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký tặng cho tại cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ: Để tặng cho quyền sử dụng đất thì ngoài công chứng hợp đồng, còn cần phải đăng ký tặng cho đất.

Bất động sản là những tài sản, quyền tài sản gắn liền với đất
2.2 Tặng cho động sản
Động sản hiểu một cách đơn giản là những tài sản, quyền tài sản mà không gắn liền với đất hoặc bất động sản khác. Nói một cách khác, bất kỳ tài sản nào không phải là bất động sản thì là động sản. Ví dụ: Xe, trang sức,... Khác với bất động sản thì hợp đồng tặng cho động sản không nhất thiết phải lập thành văn bản và có công chứng, mà nó có thể giao kết thông qua lời nói, hành vi. Đối với động sản mà phải đăng ký quyền sở hữu thì cũng giống như tặng cho bất động sản, các bên cần phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu.
Ví dụ: A tặng quà cho B nhân dịp sinh nhật, và B nhận lấy món quà đó cũng được xem là A và B đã giao kết và thực hiện hợp đồng tặng cho.
3. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng tặng cho
Mặc dù hợp đồng tặng cho nhìn thì có vẻ là đơn giản, nhưng thực chất vẫn còn những điều mà các bên cần phải lưu ý khi tham gia hợp đồng. Cụ thể là các điểm chú trọng dưới đây:
Thứ nhất, các bên cần phải chú ý đến hiệu lực của hợp đồng tặng cho, vì thời điểm hợp đồng có hiệu lực, cũng là lúc bên tặng cho bắt đầu mang nghĩa vụ giao tài sản cho bên còn lại. Tùy loại tài sản cũng như tính chất mà thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực cũng sẽ khác nhau:
- Đối với tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
- Đối với tài sản không cần đăng ký thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm bên tặng cho đưa tài sản và bên được tặng cho nhận lấy tài sản đó.
Thứ hai, tài sản được tặng cho phải chỉ thuộc quyền sở hữu của bên tặng cho. Trong trường hợp bên tặng cho biết rõ tài sản không phải thuộc sở hữu của mình, nhưng vẫn đem nó tặng cho người khác thì khi chủ nhân của tài sản đòi lại tài sản thì các bên phải trả lại tài sản đó, cùng với đó bên tặng cho phải trả cho bên được nhận tặng cho những chi phí mà bên được nhận đã chi để làm gia tăng giá trị của tài sản (sửa chữa, tân trang,...).
Thứ ba, nếu như biết rằng tài sản có vấn đề (ví dụ xe bị hư thắng,...) thì bên tặng cho phải thông báo cho bên được tặng cho những vấn đề của tài sản đó. Trong trường hợp bên tặng cho biết nhưng không báo về vấn đề của tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường khi phát sinh thiệt hại cho bên nhận tặng cho.

Bên tặng bồi thường khi phát sinh thiệt hại cho bên nhận tặng cho
4. Hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Hợp đồng tặng cho có điều kiện là hợp đồng mà tại đó, bên tặng cho sẽ đưa ra một hoặc một số điều kiện và chỉ khi bên được tặng cho hoàn thành điều kiện thì mới được nhận tài sản tặng cho. Đây là một loại hợp đồng tặng cho đặc biệt, vì căn bản hợp đồng tặng cho thì chỉ có bên tặng cho có nghĩa vụ, tuy nhiên đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện thì cả hai bên đều mang nghĩa vụ riêng.
Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện ngoại trừ những lưu ý thông thường nêu trên, các bên cũng cần phải lưu ý thêm những điều sau:
- Điều kiện mà bên tặng cho đặt ra không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
Ví dụ: B hứa rằng sẽ tặng A căn nhà nếu như A chấp nhận kết hôn với B. Trong trường hợp này, hợp đồng tặng cho giữa A và B vô hiệu, do yêu cầu của B đối với A là vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện.
- Bên tặng cho có thể đặt ra một hoặc nhiều điều kiện cho bên được tặng cho.
- Các bên có thể thỏa thuận thời điểm tặng cho tài sản trước hoặc sau khi bên được tặng cho hoàn thành điều kiện;
- Trong trường hợp phải hoàn thành điều kiện trước khi giao tài sản tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì họ phải thanh toán một khoảng tiền tương ứng với những công việc mà bên được tặng cho đã thực hiện;
- Trong trường hợp phải hoàn thành điều kiện sau khi nhận được tài sản tặng cho, mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
Việc tặng cho người khác tài sản vốn dĩ rất quen thuộc với mỗi chúng ta, tuy nhiên những lưu ý về hợp đồng tặng cho không phải ai cũng biết. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cũng cần phải nắm rõ những lưu ý về hợp đồng này để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình cũng như tránh những tranh chấp về sau.