“Mượn” là thuật ngữ được sử dụng hằng ngày khi giữa các cá nhân, tổ chức mong muốn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn trong một thời hạn ngắn. Khi phát sinh quan hệ mượn tài sản trên thực tế, thông thường các bên đã có thỏa thuận những điều kiện nhất định như một hợp đồng dân sự. Để không xảy ra những tranh chấp cũng như việc thực hiện diễn ra đúng pháp luật, mỗi cá nhân, tổ chức cần hiểu rõ các quy định pháp luật khi giao kết hợp đồng mượn tài sản.
1. Vấn đề chung về hợp đồng mượn tài sản
Mọi vấn đề về nội dung thỏa thuận giữa các bên khi tạo lập hợp đồng đều xuất phát từ đặc điểm giao dịch dân sự “mượn tài sản”. Theo đó, khái niệm, hình thức cũng như đặc trưng của hợp đồng sẽ là những nội dung mà các bên khi giao kết cần lưu ý.
1.1. Khái niệm
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, gồm bên cho mượn và bên mượn tài sản. Theo đó, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được. Điểm khác biệt với hợp đồng vay tài sản là bên mượn không phải trả tiền cho bên cho mượn.

Bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn
Ví dụ: A là hàng xóm của B, được gia đình dưới quê gửi lên cho 3 thùng hàng lớn mà không có xe đẩy hàng đưa vào kho. A hỏi mượn B chiếc xe đẩy hàng B dùng cho hoạt động kinh doanh nội thất của mình, A hẹn lại buổi chiều 17h00 mang trả lại được xem là xác lập hợp đồng mượn tài sản giữa A và B.
1.2. Đặc điểm
Hợp đồng mượn tài sản là khái niệm có vẻ học thuật nhưng thực tế hoạt động mượn tài sản được diễn ra vô cùng phổ biến hàng ngày. Về cơ bản, một hợp đồng mượn tài sản mang những đặc điểm dưới đây:
- Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tất cả tài sản không tiêu hao. Theo đó, tài sản không tiêu hao được hiểu là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Quy định này là bởi sau khi hết hạn hợp đồng, bên mượn phải trả lại tài sản với tình trạng như ban đầu cho đối phương.
- Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng đơn vụ. Cụ thể, hợp đồng đơn vụ là hợp đồng chỉ có một bên trong quan hệ dân sự có nghĩa vụ khi thực hiện hợp đồng. Cụ thể trong trường hợp này, chỉ có một bên có nghĩa vụ là bên mượn. Và tương ứng với đó, bên cho mượn có quyền đòi nợ mà không có nghĩa vụ với bên mượn.
- Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng không có đền bù bởi bên mượn không phải trả lợi ích vật chất khi sử dụng tài sản mượn của bên cho mượn.
1.3. Hình thức
Tương tự các loại hợp đồng dân sự thông dụng khác, hợp đồng mượn tài sản không có yêu cầu đặc biệt về hình thức. Có nghĩa là, giao kết hợp đồng có thể thể hiện qua lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị chứng minh của hợp đồng, đặc biệt là đối tượng tài sản có giá trị lớn, các bên nên lựa chọn hình thức văn bản.
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mượn tài sản
Tuy hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng đơn vụ nhưng thực tế mỗi bên trong hợp đồng vẫn được pháp luật đặt ra những yêu cầu về nghĩa vụ, đồng thời cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của mỗi bên.
2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn
Là người cho mượn tài sản, bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản cho mượn. Cụ thể, nội dung này thể hiện qua các khía cạnh như sau:
- Bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản khi hết thời hạn trong hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn, bên cho mượn có thể đòi lại tài sản khi mục đích mượn của bên mượn đã hoàn thành.

Bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản khi hết thời hạn trong hợp đồng
Ngoài ra, trong trường hợp bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản thì có quyền đòi lại tài sản đó mà không cần chờ bên mượn đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là một thời gian hợp lý. Do đó, thực tế áp dụng thường được các bên thương lượng dựa trên nguyên tắc thiện chí.
- Bên cho mượn được quyền đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
- Bên cho mượn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi đặc trưng của hợp đồng mượn tài sản là bên mượn cần hoàn trả lại nguyên vẹn, đúng tài sản đã được bên cho mượn cho mượn.
Nội dung quy định về quyền này được xem là một lẽ đương nhiên khi mà mục đích của hợp đồng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ nhau lúc khó khăn mà không nhằm thu lại lợi nhuận từ hoạt động cho mượn này. Đây cũng là điểm đặc biệt giúp phân biệt hợp đồng mượn tài sản với các loại hợp đồng khác, đơn cử như hợp đồng thuê tài sản.
Mặc dù trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn không nhận được lợi ích tài chính nào nhưng nhằm lường trước các hậu quả có thể phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản, pháp luật cũng đặt ra một số các nghĩa vụ của bên cho mượn, như sau:
- Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có. Cụ thể, mặc dù trong quan hệ mượn tài sản, bên cho mượn hoàn toàn tự nguyện và muốn giúp đỡ bên mượn mà không có lợi ích vật chất nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho bên mượn trong quá trình sử dụng tài sản cũng như tránh các thiệt hại có thể xảy ra, bên cho mượn phải thông báo cho bên mượn biết các thông tin về chất lượng và khả năng sử dụng tài sản.
- Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận. Như vậy, điều luật này chỉ có hiệu lực nếu các bên có thỏa thuận, do đó các bên cần chú ý bổ sung rõ ràng trong hợp đồng nhằm tránh xảy ra mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.
- Nếu biết những khuyết tật của tài sản mà cố ý không thông báo cho bên mượn, khi sử dụng tài sản gây thiệt hại cho bên mượn, bên cho mượn phải bồi thường thiệt hại.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên mượn
Tương ứng với các quy định về quyền và nghĩa vụ của bên cho mượn, bên mượn cũng có những quyền và nghĩa vụ dưới đây:
Quyền của bên mượn:
- Nhận tài sản theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, và có quyền sử dụng tài sản đó theo đúng mục đích đã thỏa thuận.
- Nếu có thỏa thuận về việc sửa chữa, làm tăng giá trị sản phẩm thì bên mượn có quyền yêu cầu bên cho mượn thanh toán các chi phí hợp lý trên.
- Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
Nghĩa vụ của bên mượn:
- Đảm bảo việc hoàn trả nguyên vẹn tài sản cho bên cho mượn khi hết thời hạn, do đó, bên mượn có một số các yêu cầu về nghĩa vụ như sau:
- Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
- Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
- Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
- Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
- Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
3. Các lưu ý cần biết khi giao kết hợp đồng mượn tài sản
Thực tế áp dụng, hợp đồng mượn tài sản được xem là loại hợp đồng khá đơn giản, và vô cùng gần gũi với mọi người. Tuy nhiên, các bên vẫn có những lưu ý cần chú trọng để tránh việc tranh chấp cũng như thực hiện hợp đồng trái pháp luật.

Các bên có những lưu ý cần chú trọng để tránh việc tranh chấp
Thứ nhất, về tài sản mượn. Như đã trình bày, tài sản mượn phải là các vật không tiêu hao và người mượn phải hoàn trả chính xác tài sản đó khi hết thời hạn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Do đó, nếu muốn chuyển quyền sử dụng các tài sản là vật tiêu hao, các bên không thể thực hiện hợp đồng mượn tài sản mà có thể thực hiện các hợp đồng vay tài sản không trả lãi, hợp đồng tặng cho, hợp đồng thuê tài sản...
Thứ hai, về việc sử dụng tài sản mượn. Bên mượn phải sử dụng tài sản theo đúng thỏa thuận của các bên cũng như chú ý bảo quản nguyên vẹn, tránh gây hư hỏng, làm mất hay sử dụng trái với ý muốn của bên cho mượn. Bởi về nguyên tắc, bên cho mượn vẫn là chủ sở hữu của tài sản, vì vậy, khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu, người sử dụng (bên mượn) không được tự ý quyết định tài sản đó.
Hợp đồng mượn tài sản là loại hợp đồng được giao kết vô cùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, không phải lúc nào các bên cũng hiểu rõ, đặc biệt cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng. Vì vậy, hy vọng những nội dung trên sẽ giúp mỗi chúng ta hiểu hơn về giao dịch dân sự này và áp dụng chúng để hoạt động “mượn tài sản” được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và phù hợp nhất có thể.