Gửi giữ tài sản đã là dịch vụ vô cùng phổ biến với hầu hết mọi người dân, đặc biệt là khi nhu cầu giữ an toàn cho tài sản tại nơi công cộng luôn được chú ý. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cũng có thể phát sinh nhu cầu gửi giữ tài sản khi điều kiện về không gian, thời gian,... không đáp ứng để bảo đảm an toàn cho tài sản của mình. Thỏa thuận giữa các bên khi xác lập quan hệ dân sự này thường được gọi là hợp đồng gửi giữ tài sản. Vậy, pháp luật dân sự có những quy định như thế nào về đối tượng hợp đồng này?
1. Hợp đồng gửi giữ tài sản là gì?
Hợp đồng gửi giữ tài sản là một trong những loại hợp đồng dân sự thông dụng được giao kết thường ngày trong nhiều tình huống khác nhau. Một số hợp đồng gửi giữ tài sản được thiết lập có thể kể đến như hoạt động như gửi xe, đồ đạc cá nhân ở trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, chợ, trường học v.v…
Hợp đồng gửi giữ tài sản được hiểu sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Hợp đồng được hiểu sự thỏa thuận giữa các bên
Đối tượng tài sản của hợp đồng này là tài sản có thể lưu thông, có thể là động sản hoặc bất động sản. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho quá trình gửi giữ tài sản, bên giữ tài sản cần phải có đủ các điều kiện như chuẩn bị kho bãi, tủ kệ, dụng cụ phòng cháy v.v… Trường hợp tài sản khó bảo quản hoặc có tính chất đặc biệt thì bên giữ tài sản phải có các phương tiện đóng gói, giữ gìn để tài sản không bị hư hỏng.
Ví dụ: Dịch vụ gửi giữ các loại hoa được cắt để dành bán tết cần là phòng ướp lạnh để hoa không bị nở và tàn trước hạn; không gian đủ chỗ để hoa không bị dập úng, cấp nước phun sương vừa đủ để hoa duy trì sức sống.
2. Đặc điểm của hợp đồng gửi giữ tài sản
Là một loại hợp đồng dân sự, trước hết, hợp đồng gửi giữ tài sản cũng mang những đặc điểm chung như: được xác lập dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, bao gồm ít nhất hai bên chủ thể và nhằm giải quyết một mục đích là xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên v.v…
Tuy nhiên, hợp đồng gửi giữ tài sản còn có những đặc điểm riêng mang bản chất của hoạt động gửi giữ tài sản, cụ thể:
- Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng song vụ: Theo đó, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bên giữ tài sản bảo quản, trả lại tài sản khi hết hạn hợp đồng hoặc theo yêu cầu. Bên giữ tài sản có quyền yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản khi hết hạn và thanh toán tiền công giữ tài sản theo như thỏa thuận.

Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng song vụ
- Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Trong đó, yếu tố “đền bù” thể hiện ở chỗ, bên giữ đồ khi thực hiện việc giữ tài sản theo thỏa thuận sẽ nhận được một khoản bù ngang giá, cụ thể ở đây là tiền công.
+ Trường hợp bên gửi phải thanh toán tiền công cho bên giữ thì đây được coi là loại hợp đồng có đền bù.
+ Trường hợp bên gửi và bên giữ không thỏa thuận về tiền công cho việc giữ tài sản thì đây được coi là hợp đồng không có đền bù.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản
Liên quan đến vấn đề tài sản, đặc biệt là khi bên giữ tài sản đang phải tiến hành bảo quản cho đối tượng là tài sản không phải thuộc sở hữu của mình thì việc quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết là vô cùng cần thiết.
3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên gửi tài sản
- Bên gửi tài sản phải thực hiện các nghĩa vụ:
+ Phải thông báo cho bên giữ nắm được tình trạng của tài sản như số lượng, chất lượng và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ ngay khi giao tài sản. Trường hợp bên gửi không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
+ Có trách nhiệm trả đủ tiền công (còn gọi là tiền thù lao) đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

Bên gửi có trách nhiệm trả đủ tiền thù lao đúng thời hạn và đúng phương thức
- Bên gửi tài sản có các quyền:
+ Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản
- Nghĩa vụ của bên giữ tài sản bao gồm:
+ Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
+ Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi này.
+ Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn xác định; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
+ Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Bên giữ tài sản có quyền:
+ Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.
+ Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.
+ Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.
+ Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
Hợp đồng gửi giữ tài sản được thiết lập thường xuyên bằng nhiều hình thức trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, có ít người nắm được những quy định của pháp luật về hợp đồng gửi giữ tài sản, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này. Do đó, việc tìm hiểu về các quy định của hợp đồng gửi giữ tài sản là điều cần thiết để các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.