Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật, nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người ngày càng tăng cao. Dẫn đến sự ra đời của đa dạng các loại hợp đồng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường như dịch vụ tư vấn pháp lý, xây dựng, bảo vệ... Tuy nhiên mọi người thường bỏ qua những lưu ý khi tiến hành ký kết loại hợp đồng này dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Vì thế cần thiết phải nắm rõ về hợp đồng dịch vụ cũng như những lưu ý khi ký kết để tránh những trường hợp đáng tiếc trên.
1. Vấn đề chung về hợp đồng dịch vụ
Hoạt động thực hiện hộ công việc cho người khác thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, như hoạt động giao hàng, xây dựng nhà,… Tuy nhiên nhiều người khi thực hiện hoạt động dịch vụ này lại không nắm rõ về bản chất cũng như đặc điểm của hợp đồng, dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Nội dung về khái niệm và đặc điểm hợp đồng dịch vụ dưới đây sẽ giúp mỗi chúng ta có cách nhìn khách quan nhất về các quan hệ dân sự này.
1.1. Khái niệm về hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là loại hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa Bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ và Bên cung cấp dịch vụ. Theo đó, Bên cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu và Bên sử dụng dịch vụ sẽ trả tiền cho Bên cung cấp dịch vụ.

Bên cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu
Công việc mà Bên sử dụng dịch vụ yêu cầu Bên cung cấp dịch vụ thực hiện có thể là các loại công việc như: xây dựng nhà, hỗ trợ giao hàng, hoặc đơn giản là việc trang điểm cô dâu, chụp hình, làm MC, đi hát đám cưới,… Ngoài ra, hợp đồng dịch vụ không chỉ được ghi nhận bằng văn bản mà còn có thể là bằng lời nói, hoặc hành vi cụ thể.
Ví dụ: A nhờ B đến hát vào ngày đám cưới của mình và sẽ trả tiền cho B. Giữa hai người tuy không có ký kết bằng hợp đồng văn bản, tuy nhiên vẫn có sự tồn tại của hợp đồng dịch vụ đó là lời nhờ vả của A. Và hợp đồng dịch vụ này được xem như hoàn thành khi B hát trong đám cưới của A và A trả tiền cho B.
1.2. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là thỏa thuận ghi nhận công việc mà Bên cung cấp dịch vụ phải thực hiện cũng như số tiền mà Bên sử dụng dịch vụ phải chi trả khi công việc được hoàn thành. Đối tượng của hợp đồng không phải là tài sản, vì thế hợp đồng dịch vụ tồn tại một số đặc điểm riêng biệt như:
- Đối tượng hợp đồng là “công việc”: Trong hợp đồng dịch vụ, việc xác định hợp đồng hoàn thành là dựa trên quá trình thực hiện công việc. Theo đó, Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện một số công việc và bàn giao kết quả cho bên sử dụng dịch vụ.
- Hợp đồng có tính chất đền bù: Đặc trưng “đền bù” thể hiện ở việc khi Bên cung ứng dịch vụ hoàn thành nghĩa vụ thực hiện công việc, Bên sử dụng dịch vụ sẽ trả lại một số tiền tương ứng với công việc đã hoàn thành.
- Hợp đồng song vụ: Hợp đồng dịch vụ có tính chất là một hợp đồng song vụ vì hai bên khi ký kết hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ đối ứng với nhau, theo đó Bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện công việc và Bên sử dụng dịch vụ sẽ thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
2. Quyền, nghĩa vụ của các bên khi ký kết hợp đồng dịch vụ
Cũng tương tự như những hợp đồng dân sự khác, Bộ luật dân sự 2015 cho phép hai bên được tự do thỏa thuận nội dung trong hợp đồng dịch vụ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ các bên. Tuy nhiên, về cơ bản thì các bên có các quyền và nghĩa vụ sau:
2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
Bên cung ứng dịch vụ có quyền:
- Yêu cầu Bên sử dụng dịch vụ cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện để thực hiện công việc.
- Yêu cầu Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền đối với phần công việc đã hoàn thành.
- Trong trường hợp việc chờ ý kiến về thay đổi điều kiện dịch vụ sẽ gây bất lợi cho Bên sử dụng dịch vụ thì Bên cung cấp dịch vụ được quyền thay đổi điều kiện mà không cần chờ ý kiến Bên sử dụng dịch vụ.
Ví dụ: A ký hợp đồng dịch vụ với B, yêu cầu B tổ chức tiệc cưới ngoài trời cho mình. Tuy nhiên trước ngày diễn ra tiệc cưới, theo dự báo thời tiết vào ngày diễn ra tiệc sẽ có bão và mưa lớn, B liên hệ A để thay đổi địa điểm vào trong nhà nhưng không liên hệ được. Để đảm bảo buổi tiệc diễn ra bình thường B đã thay đổi địa điểm vào trong nhà để buổi tiệc có thể diễn ra, A không bị bất lợi.

Yêu cầu Bên sử dụng dịch vụ cung cấp các phương tiện để thực hiện công việc
Bên cạnh quyền lợi, để đảm bảo hợp đồng được hoàn thành, Bên cung ứng dịch vụ cũng cần thực hiện các nghĩa vụ:
- Thực hiện công việc đúng với thỏa thuận trong hợp đồng.
- Trong quá trình thực hiện công việc, trừ khi được sự đồng ý của Bên sử dụng dịch vụ, Bên cung cấp dịch vụ không được giao cho người khác thực hiện thay công việc. Đồng thời khi thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, Bên cung cấp dịch vụ phải giữ bí mật thông tin mà mình biết được.
- Khi hoàn thành công việc Bên cung cấp dịch vụ phải bảo quản và giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện đã được cung cấp trước đó.
- Trong quá trình thực hiện công việc, khi bị thiếu thông tin, tài liệu cần thiết, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc thì Bên cung cấp dịch vụ phải báo ngay cho Bên sử dụng dịch vụ để khắc phục kịp thời.
- Trong trường hợp làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin thì Bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Bên sử dụng dịch vụ.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
Bên sử dụng dịch vụ có quyền:
- Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận.
- Được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp Bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.
Bên sử dụng dịch vụ cũng có các nghĩa vụ:
- Trong trường hợp có thỏa thuận hoặc quá trình công việc đòi hỏi, Bên sử dụng dịch vụ phải cung cấp những thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết cho Bên cung cấp dịch vụ để thực hiện công việc.
- Khi Bên cung ứng dịch vụ hoàn thành công việc, Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
3. Lưu ý khi giao kết
Dựa trên những phân tích ở trên, có thể thấy hợp đồng dịch vụ là hợp đồng ghi nhận lại sự thỏa thuận về việc Bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện một công việc thay cho Bên sử dụng dịch vụ để nhận tiền. Nhìn sơ qua đây là dạng hợp đồng đơn giản, tuy nhiên vẫn cần phải lưu ý một số điểm sau để tránh xảy ra tranh chấp khi ký kết.
Thứ nhất, trong quá trình ký kết hợp đồng, khi Bên sử dụng dịch vụ nhận thấy công việc đang thực hiện không cần thiết nữa thì họ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp này thì Bên sử dụng dịch vụ phải có nghĩa vụ phải thông báo cho Bên cung ứng dịch vụ trong một khoảng thời gian hợp lý; tiến hành thanh toán cho những phần công việc mà Bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A làm công việc bán hàng online, ký hợp đồng dịch vụ nhờ B giao hàng giúp mình. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID kéo dài, buôn bán ế ẩm, vì thế A nhận thấy không cần B giao hàng cho mình nữa. Lúc này, A được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo trước cho B và phải thanh toán phần công việc mà B đã thực hiện rồi. Đồng thời bồi thường thiệt hại cho B (nếu có).
Thứ hai, trong trường hợp khi đã hết thời hạn hợp đồng nhưng công việc vẫn chưa hoàn thành, Bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc và Bên sử dụng dịch vụ biết nhưng vẫn đồng ý thì hợp đồng sẽ đương nhiên được tiếp tục theo những điều khoản đã thỏa thuận trước đó cho đến khi công việc hoàn thành.

Tiếp tục công việc nếu bên sử dụng dịch vụ đồng ý
Thứ ba, trong quá trình thực hiện công việc nếu như Bên cung ứng dịch vụ không hoàn thành công việc đúng hạn hoặc công việc không đạt như trong thỏa thuận thì Bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, Bên sử dụng dịch vụ sẽ không bị xem là vi phạm hợp đồng khi trả số tiền thấp hơn thỏa thuận.
Ví dụ: A và B thỏa thuận với nhau rằng B sẽ xây nhà giúp cho A, căn nhà sẽ có ba tầng và được sơn toàn bộ bằng màu xanh biển. Tuy nhiên sau khi B xây xong nhà, căn nhà chỉ có 2 tầng và được sơn màu đỏ, thì A có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu B bồi thường thiệt hại do làm công việc không đạt như trong thỏa thuận.
Khi tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ, một trong các bên vì không tìm hiểu kĩ về những điểm lưu ý của hợp đồng, bỏ qua một số chi tiết dẫn đến xảy ra tranh chấp không mong muốn sau này. Vì vậy, hy vọng bài viết cung cấp cái nhìn cơ bản về hợp đồng cũng như những lưu ý khi ký kết, đảm bảo cho các bên khi ký kết tránh được những tranh chấp không mong muốn.