Cầm đồ là dịch vụ mà hầu hết ở khắp các thành phố lớn nhỏ hiện nay mọi người đều có thể bắt gặp. Theo đó, khi gặp khó khăn về vấn đề tài chính, bạn có thể đem tài sản có giá của mình như xe máy, laptop, thậm chí là điện thoại di động,... đến để “cắm” lấy tiền. Người chủ cầm đồ cũng có sự đánh giá và “trả giá” về mức tiền có thể cho vay tương ứng với giá trị tài sản đem “cắm”. Vậy, hoạt động cầm cố tài sản này được quy định như thế nào dưới góc độ pháp luật?
1. Khái niệm cầm cố tài sản
Khi thực hiện nghĩa vụ dân sự, để bảo đảm quyền và các lợi ích của người có quyền không bị xâm phạm thì các bên có thể thỏa thuận xác lập một biện pháp bảo đảm, theo đó, bên có nghĩa vụ phải giao cho bên kia một tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền đã có sẵn một tài sản mà người có nghĩa vụ đã giao cho mình để khấu trừ phần nghĩa vụ chưa được thực hiện. Hình thức này được gọi là cầm cố tài sản.
Cầm cố tài sản là một loại biện pháp bảo đảm có thể được thể hiện dưới dạng hợp đồng riêng biệt hoặc là một điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác. Theo quy định thì hợp đồng cầm cố không nhất thiết phải công chứng hoặc chứng thực hoặc đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, để nâng cao độ an toàn pháp lý, các bên có thể thỏa thuận việc cầm cố phải được công chứng hoặc chứng thực.

Các bên có thể thỏa thuận việc cầm cố phải được công chứng hoặc chứng thực
2. Đối tượng của cầm cố tài sản
Tài sản dùng để cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản nhưng phải đáp ứng điều kiện sau đây:
- Tài sản cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố: Tài sản là đối tượng của cầm cố phải thuộc sở hữu của người cầm cố. Nếu tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người thì việc cầm cố tài sản đó phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
- Tài sản cầm cố phải được phép chuyển giao: Theo quy định hiện hành, tài sản gồm có bất động sản và động sản. Trong đó, bất động sản gồm có: Đất đai, tài sản gắn liền với đất, công trình, nhà cửa, tài sản khác theo luật định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật đất đai không cho phép các bên cầm cố quyền sử dụng đất.

Tài sản dùng để cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản
Nếu các bên giao kết hợp đồng mà đối tượng của cầm cố tài sản không đúng đối tượng, có thể dẫn đến hệ quả pháp lý như giao dịch bị tuyên vô hiệu. Như vậy sẽ rất bất lợi cho các bên trong quan hệ dân sự.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Tương tự như các giao dịch dân sự khác, bên cầm cố và bên nhận cầm cố có các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định pháp luật.
3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố
Bên cầm cố là bên phải giao tài sản để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, bên cầm cố là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó.
Bên cầm cố có các nghĩa vụ sau:
- Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố hoặc giao cho người thứ ba tại nơi có tài sản hoặc tại địa điểm do bên nhận cầm cố lựa chọn. Trường hợp tài sản cầm cố là vật do người thứ ba giữ mà có nguy cơ bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì quyền và nghĩa vụ giữa người thứ ba và bên nhận cầm cố được thực hiện theo hợp đồng gửi giữ tài sản.
- Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.
Ví dụ: A cho B thuê xe ô tô 1 năm, khi chưa hết thời gian cho thuê thì A cầm cố xe ô tô cho C, lúc này A phải báo cho C biết về việc xe đang được B thuê.
- Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cầm cố có các quyền sau:
- Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
- Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan (nếu có) khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
- Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
- Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố
Bên nhận cầm cố là bên nhận tài sản từ bên cầm cố để bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố bao giờ cũng là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó.
Theo đó, bên nhận cầm cố có các quyền sau:
- Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
- Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
- Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Ngược lại, bên nhận cầm cố cũng có các nghĩa vụ sau:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
- Trường hợp tài sản cầm cố là vật có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì bên nhận cầm cố đang giữ tài sản đó phải thông báo cho bên cầm cố và yêu cầu bên cầm cố cho biết cách giải quyết trong thời hạn hợp lý; nếu hết thời hạn đó mà bên cầm cố không trả lời thì bên nhận cầm cố thực hiện biện pháp cần thiết để ngăn chặn.
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
- Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Bên cầm cố phải bồi thường nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố
4. Hiệu lực và thời hạn cầm cố
Hợp đồng cầm cố có hiệu lực đối với các bên trong hợp đồng từ thời điểm giao kết và có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trong trường hợp tài sản cầm cố là bất động sản và việc cầm cố được đăng ký giao dịch bảo đảm thì có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố tài sản được tính từ thời điểm bên cầm cố nhận tài sản cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Cầm cố tài sản là một biện pháp bảo đảm phổ biến được các bên sử dụng kèm theo khi ký kết các hợp đồng. Giao kết về việc cầm cố tài sản có thể được lập thành văn bản riêng hoặc chỉ quy định như một điều khoản trong hợp đồng gốc. Ngoài ra, một điểm quan trọng mà các bên cần lưu ý là pháp luật về quản lý đất đai hiện không cho phép các bên cầm cố Quyền sử dụng đất.