“Cháu cho con cô mượn tiền đi, nếu mà đến đó nó không trả được thì có gì cô trả cho, cháu đừng lo” - đây là một trong rất nhiều câu nói mà chúng ta có thể gặp đâu đó trong cuộc sống thường ngày. Nói một cách dân dã, việc làm này được ví như hoạt động “nhận nợ thay” để người cho vay tín nhiệm và yên tâm hơn về việc mình sẽ nhận được lại khoản tiền. Theo đó, việc “nhận nợ thay” chính là hoạt động bảo lãnh nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
1. Bảo lãnh là gì?
Bảo lãnh được hiểu là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Ví dụ: A cam kết với B sẽ thanh toán tiền thuê nhà thay cho C nếu đến hạn thanh toán theo thỏa thuận mà C chưa trả tiền thuê nhà. Trong trường hợp này, A được xem là đang bảo lãnh cho C về nghĩa vụ thanh toán tiền thuê nhà đối với B.

Là việc bên bảo lãnh cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh
Căn cứ vào bản chất và khái niệm nêu trên, bảo lãnh mang một số đặc điểm có thể liệt kê như sau:
- Một là, đây là mối quan hệ ba bên, bao gồm bên có quyền, bên có nghĩa vụ và bên thứ ba. Trong đó bên có quyền là bên nhận bảo lãnh, bên có nghĩa vụ là bên được bảo lãnh, và bên thứ ba đóng vai trò là bên bảo lãnh.
- Hai là, đây là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân. Nghĩa là, biện pháp này không sử dụng các tài sản cụ thể như biện pháp thế chấp hoặc cầm cố (các biện pháp bảo đảm mang tính đối vật).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là loại trừ trường hợp các bên sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh.
Ví dụ: A thực hiện bảo lãnh cho C để vay 200 triệu đồng của B. Theo đó, A cam kết với B sẽ thanh toán nợ thay cho C nếu khi đến hạn mà C không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như thỏa thuận. Để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này, A đã thế chấp chiếc xe máy thuộc quyền sở hữu của mình cho B. Lúc này, việc thế chấp chiếc xe máy này là thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (nếu có), chứ không thế chấp trực tiếp cho nghĩa vụ thanh toán của C.
- Ba là, đối tượng của bảo lãnh là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh. Cụ thể, cam kết này chính là cam kết về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, bao gồm việc thực hiện một hoặc nhiều công việc sau đây: chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không thực hiện công việc nhất định.
- Bốn là, nghĩa vụ bảo lãnh chỉ phát sinh tại thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình (trong trường hợp thông thường); hoặc khi bên này không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (nếu các bên có thỏa thuận như vậy).
2. Phạm vi bảo lãnh
Phạm vi bảo lãnh hiểu đơn giản là giới hạn các nghĩa vụ mà bên thứ ba cam kết sẽ thực hiện thay cho bên được bảo lãnh. Theo đó, trên tinh thần tự do, tự nguyện thỏa thuận, bên này có thể cam kết chỉ bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
Mặc dù bên bảo lãnh cam kết bảo lãnh một phần hay toàn bộ nghĩa vụ, nhưng nghĩa vụ bảo lãnh đó không chỉ bao gồm số tiền gốc mà còn cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại và lãi trên số tiền chậm trả, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các bên.
Đối với những nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh trong tương lai, thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau thời điểm người bảo lãnh chết/ hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. Được hiểu là, nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp này không chấm dứt, nhưng phạm vi bảo lãnh chỉ giới hạn đối với nghĩa vụ phát sinh trước thời điểm đó.

Phạm vi bảo lãnh chỉ giới hạn đối với nghĩa vụ phát sinh trước thời điểm đó
Ví dụ: Sau khi X chết, Y là người thừa kế hợp pháp tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của X. Tuy nhiên, Y chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với nợ gốc và lãi phát sinh trước khi X chết. Những khoản nợ, lãi phát sinh sau thời điểm X chết sẽ không thuộc phạm vi bảo lãnh, và do đó Y không có trách nhiệm với những nghĩa vụ này.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Để đảm bảo việc bảo lãnh được diễn ra thuận lợi và trên cơ sở pháp luật, ba bên trong mối quan hệ này có các quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:
- Đối với bên bảo lãnh
+ Có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận với bên được bảo lãnh về việc này.
+ Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc bên này không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (tùy từng trường hợp).
+ Không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
- Đối với bên nhận bảo lãnh
+ Có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp: (i) bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ; hoặc (ii) bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ; hoặc (iii) bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (tùy theo thỏa thuận giữa các bên).
+ Có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại (nếu có) trong trường hợp bên này không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh.
+ Không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
- Đối với bên được bảo lãnh
+ Có nghĩa vụ trả thù lao cho bên bảo lãnh nếu có thỏa thuận giữa hai bên.
+ Thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Ví dụ: sau khi A thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán tiền thuê nhà năm 2020 thay cho B, B phải thanh toán lại cho A khoản tiền này theo đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh giữa hai bên.

Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ trả thù lao cho hai bên còn lại
Bảo lãnh là việc một người thứ ba nhận việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong hợp đồng khi người đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, người bảo lãnh cũng có thể thỏa thuận với đối phương về việc chỉ bảo lãnh khi người có nghĩa vụ này mất khả năng thực hiện nghĩa vụ.