Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là việc bên thứ ba đưa ra ý kiến của mình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đề nghị không cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho đơn đó. Hoạt động này nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của cá nhân, cơ quan tổ chức. Bài viết sau đây sẽ làm rõ về nội dung phải đối đơn đăng ký nhãn hiệu để bạn đọc cùng tham khảo!
1. Khi nào cần phải phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu?
Việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau, tuy nhiên các trường hợp chủ yếu là khi cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện đơn đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu hoặc tên thương mại thuộc quyền sở hữu của mình bị người khác copy hoặc đạo nhái và đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước. Cụ thể, việc phản đối đơn đăng ký được thực hiện chủ yếu khi:
- Có căn cứ chứng minh đơn bị phản đối trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với đơn đăng ký của mình có ngày ưu tiên sớm hơn hoặc nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của mình được đăng ký cho cùng hay tương tự với nhóm hàng hóa, dịch vụ mà mình đăng ký;
- Có căn cứ chứng minh đơn bị phản đối trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại thuộc quyền sở hữu của mình.

Cần phải phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu trong nhiều trường hợp
2. Chủ thể nào có quyền phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu?
Sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ, đơn sẽ được xem xét chấp nhận hợp lệ về hình thức hay không. Nếu đơn đó hợp lệ về hình thức thì sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.”
Như vậy, bất kỳ người nào cũng có quyền phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc phản đối phải được lập thành văn bản và để ý kiến phản đối được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận thì cần phải có những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc phản đối này.

Việc phản đối phải được lập thành văn bản nộp cơ quan có thẩm quyền
3. Hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu
Hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường bao gồm những giấy tờ sau:
- Công văn giải trình về việc phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Chứng cứ, tài liệu kèm theo chứng minh cho việc phản đối;
- Giấy uỷ quyền (trong trường hợp phản đối thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí liên quan đến phản đối theo quy định.
Tùy thuộc vào từng trường hợp, hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ có số lượng giấy tờ, tài liệu khác nhau. Trong trường hợp người phản đối ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc phản đối thì bắt buộc phải có giấy ủy quyền kèm theo hồ sơ.
Yêu cầu quan trọng của hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là việc người phản đối phải chứng minh được những ý kiến của mình bằng cách đưa ra các căn cứ hợp lý, mang tính thuyết phục. Khi đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ dựa trên những chứng cứ mà người phản đối nộp lên để xem xét có quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho đơn bị phản đối hay không.
4. Nên hay không nên ủy quyền đại diện phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu?
Ủy quyền đại diện phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của người khác ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện công việc này thay mình. Chủ thể đó có thể là cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư hay tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị được tin cậy nhiều nhất vẫn là tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

Ủy quyền đại diện thực hiện việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo đó, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp bằng quyền hạn, kinh nghiệm của mình có thể đại diện người phản đối soạn, giao nhận hồ sơ và trả lời tài liệu liên quan đến việc phản đối này. Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp có những vai trò nổi trội sau trong việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu:
- Thứ nhất, đưa ra hướng giải quyết cũng như hỗ trợ người có yêu cầu phản đối thu thập cũng như tìm kiếm được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc phản đối của mình;
- Thứ hai, việc soạn thảo văn bản giải trình cũng như hồ sơ phản đối sẽ được thực hiện đúng văn phong, các lý lẽ dẫn chứng nêu ra thường mang tính thuyết phục cao;
- Thứ ba, bảo vệ tối đa quyền lợi của người có yêu cầu phản đối để tránh tình trạng các bên khác ăn cắp, đạo nhái, lợi dụng nhãn hiệu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
- Thứ tư, việc ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp sẽ giúp người có yêu cầu phản đối tiết kiệm được thời gian, công sức cho mình trong khoảng thời gian thực hiện công việc này.
Vì vậy, trong những trường hợp cần phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của các bên khác, người phản đối có thể cân nhắc việc ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp hay không. Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cần thiết về việc phản đối đơn đăng kỹ nhãn hiệu và ủy quyền đại diện trong các trường hợp nêu trên.