Quyền sở hữu đối với đối tượng công nghiệp như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bí mật kinh doanh,.... là loại tài sản có giá trị lớn. Theo đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu, pháp luật cho phép cá nhân/ tổ chức là chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ bằng cách chủ động ngăn chặn, khuyến cáo đối tượng đang có hành vi xâm phạm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu?
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là hành vi sử dụng dấu hiệu trùng/ tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Hoặc, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng/ tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng/ không tương tự.

Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ
Yếu tố xâm phạm thường được gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm, đăng trên các phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo hoặc biển hiệu, giấy tờ giao dịch. Đồng thời, phạm vi để đánh giá một yếu tố xâm phạm gồm có mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được đăng ký.
Nói tóm lại, hành vi xâm phạm quyền có thể hiểu là hành vi được thể hiện dưới nhiều hình thức mà dấu hiệu của nó có thể khiến khách hàng/ người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ, hàng hóa liên quan đến một nhãn hiệu khác đã được bảo hộ theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Khuyến cáo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu?
Khuyến cáo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có thể hiểu là văn bản thông báo của Chủ sở hữu hoặc đại diện Chủ sở hữu nhãn hiệu gửi đến cá nhân/ tổ chức hiện đang có hành vi xâm phạm quyền. Đây là hành động tự bảo vệ quyền của Chủ sở hữu hiện được pháp luật cho phép nhằm chủ động ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi đối với tài sản sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ - nhãn hiệu.
Tuy vậy, như đã trình bày ở trên, hành vi xâm phạm quyền cần đáp ứng những yếu tố nhất định theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Chủ sở hữu cần chứng minh được hành vi vi phạm để có yêu cầu khuyến cáo đến người đang thực hiện vi phạm.

Mỹ phẩm là lĩnh vực thường xuyên có hành vi xâm phạm quyền
Thông thường, chủ sở hữu thường làm có tờ khai yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Viện khoa học sở hữu trí tuệ để giám định có hay không hành vi xâm phạm quyền trên thực tế. Tuy không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền hay kết luận về vụ tranh chấp như phán quyết của Tòa án nhưng đây sẽ là chứng cứ có thể được dẫn chứng và sử dụng khi xử lý các vụ việc xâm phạm nêu trên.
3. Khuyến cáo hành vi xâm phạm quyền và một số lưu ý
- Khuyến cáo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là quyền tự bảo vệ của chủ đơn thông qua việc yêu cầu cá nhân/ tổ chức có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
- Khuyến cáo hành vi xâm phạm là hoạt động nhằm ngăn chặn người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể là nhãn hiệu khi chưa có sự cho phép của Chủ sở hữu.
- Trường hợp việc khuyến cáo hành vi xâm phạm không đạt được mục đích, Chủ sở hữu có thể áp dụng các biện pháp khác như yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hoặc thậm chí là khởi kiện ra tòa để truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự.
4. Hoạt động đại diện khuyến cáo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Về cơ bản, chủ sở hữu có thể thực hiện hành vi khuyến cáo nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được pháp luật bảo vệ. Tuy vậy, để việc khuyến cáo được diễn ra một cách hợp pháp và thuyết phục thì họ cần tiến hành nhiều công đoạn, đặc biệt là việc chứng minh được có hành vi xâm phạm quyền diễn ra trên thực tế.

Chủ động bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ
Chủ sở hữu có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác đại diện để thực hiện quá trình chuẩn bị và khuyến cáo hành vi xâm phạm. Thông thường, đơn vị được ủy quyền nhiều nhất là các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp - những người đã và đang hỗ trợ chủ đơn/ chủ sở hữu thực hiện và bảo vệ các quyền lợi liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ này.
Đối với hành vi vi phạm nêu trên, đại diện SHCN có thể đại diện khách hàng làm tờ khai yêu cầu giám định hành vi xâm phạm, sau đó dựa trên cơ sở này tiến hành tư vấn, soạn và gửi thông báo khuyến cáo đến người/ tổ chức đang có hành vi xâm phạm. Trường hợp không đạt được mục đích, tổ chức này cũng hỗ trợ Chủ sở hữu thực hiện các biện pháp khác nhằm xử lý triệt để hành vi nêu trên.
Đứng trước tình hình phát triển của các ngành sản xuất, dịch vụ hiện nay, việc người khác thực hiện các hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm trục lợi cũng trở nên phổ biến. Và vì vậy, Chủ sở hữu cần linh hoạt, chủ động đăng ký bảo hộ cũng như lên tiếng khuyến cáo để tự mình bảo vệ quyền sở hữu Nhãn hiệu của mình.