Nhãn hiệu hay còn được biết như là logo thương hiệu được gắn trên bao bì sản phẩm, bảng hiệu dịch vụ,... là tài sản sở hữu trí tuệ phổ biến được sử dụng hiện nay. Theo đó, chủ sở hữu nên đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu này. Cụ thể, cá nhân/ tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện ủy quyền hoặc tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện thủ tục hành chính liên quan.
1. Đăng ký nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là một loại tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị cao, nó gắn liền với sản phẩm/ dịch vụ mà bạn cung cấp; đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm/ dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh. Cùng với sự phát triển của thương hiệu, giá trị của tài sản đặc biệt này cũng tăng lên không ngừng. Và vì vậy, định giá chuyển nhượng thương hiệu cũng là nguồn thu nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư hiện nay.

Nhãn hiệu là tài sản có giá trị cao
Tuy nhiên, quyền sở hữu đối với mỗi nhãn hiệu bất kỳ chỉ được xác lập và công nhận khi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, cá nhân/ tổ chức cần nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, được Cục chấp nhận và ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu đó.
Chủ sở hữu sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được pháp luật bảo vệ quyền lợi, có khả năng lưu hành sản phẩm/ dịch vụ cùng nhãn hiệu độc quyền. Từ đó tăng uy tín cho người tiêu dùng, có thể cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Đồng thời, có thể yêu cầu đối phương chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc thậm chí là yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu và người tiêu dùng.
2. Cá nhân/ tổ chức có thể đăng ký nhãn hiệu bằng những cách nào?
Về cơ bản, đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính mà cá nhân/ tổ chức có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện. Theo đó, dưới đây là 03 phương thức đăng ký nhãn hiệu thông thường mà bạn có thể lựa chọn.
2.1. Tự mình nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu
Cá nhân/ tổ chức có thể tự mình thực hiện việc soạn thảo, nộp hồ sơ cũng như theo dõi và phúc đáp các công văn cho biết kết quả kết quả thẩm định từ Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ đơn cần tự mình chuẩn bị hồ sơ, ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ.

Cá nhân có thể tự mình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Các thông báo và công văn phản hồi từ Cục Sở hữu trí tuệ về kết quả thẩm định đơn và các thông báo liên quan sẽ được gửi về địa chỉ trong đơn đăng ký của chủ đơn. Sau đó, chủ đơn đọc và theo dõi thông tin, đồng thời tự mình soạn thảo và phúc đáp giải trình (nếu có).
Hiện nay, hình thức tự mình nộp tờ khai đăng ký nhãn hiệu được thực hiện phổ biến với chủ đơn là các doanh nghiệp. Thông thường, bộ phận pháp chế của doanh nghiệp sẽ là đơn vị thực hiện việc soạn và theo dõi tình hình đơn đăng ký nhãn hiệu này.
2.2. Ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác nộp hồ sơ
Ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác soạn và nộp hồ sơ về cơ bản cũng được thực hiện tương tự như phương phức chủ đơn tự mình thực hiện. Điểm khác là chủ đơn có thể ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác soạn và nộp đơn đăng ký đến Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, mọi công văn và thông báo từ Cục khi phản hồi về đơn đăng ký đều sẽ được gửi về địa chỉ chủ đơn trên tờ khai đăng ký.
2.3. Ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nộp và theo dõi hồ sơ
Đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo luật định và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, cá nhân/ tổ chức là chủ đơn đăng ký nhãn hiệu có thể ủy quyền cho đại diện SHCN soạn, nộp và theo dõi đơn đăng ký.
Về cơ bản, quan hệ giữa chủ đơn và tổ chức đại diện SHCN vẫn là quan hệ đại diện ủy quyền. Theo đó, chủ đơn cần ủy quyền bằng văn bản để tổ chức này thực hiện các dịch vụ nêu trên (trừ các trường hợp không được đại diện theo luật định). Văn bản này được nộp kèm theo trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.

Tổ chức đại diện SHCN đại diện chủ đơn thực hiện thủ tục đăng ký
Điểm khác đặc biệt với đại diện SHCN là các thông báo, công văn phản hồi của Cục Sở hữu trí tuệ về đơn đăng ký có đại diện SHCN sẽ được gửi về địa chỉ tổ chức này. Theo đó, đại diện SHCN có nghĩa vụ thông tin đến chủ đơn và thay mặt chủ đơn ký tên, nộp đơn, theo dõi, phúc đáp trả lời, khiếu nại,… trong phạm vi ủy quyền giữa hai bên. Giúp chủ đơn tiết kiệm thời gian, công sức đồng thời thuận tiện hơn cho quá trình trao đổi giữa cơ quan nhà nước và chủ đơn đăng ký.
Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu là cá nhân/ tổ chức đăng ký quyền sở hữu công nghiệp với một nhãn hiệu bất kỳ, có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện hoạt động này. Trong đó, trường hợp chủ đơn ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, các công văn, thông báo từ Cục sở hữu trí tuệ sẽ gửi về địa chỉ tổ chức đại diện SHCN, đơn vị này sẽ thông tin, tư vấn và đại diện chủ đơn có các thông báo, công văn phúc đáp đến Cục để tiếp tục theo đuổi đơn đăng ký nhãn hiệu này.